FAO in Viet Nam

Dự án quản lý môi trường và thủy sản Vịnh Bengal do FAO chủ trì lại tiếp tục được Quỹ Môi trường toàn cầu hỗ trợ thêm 15 triệu USD

26/06/2018

Đà Nẵng, Việt Nam –Ngày hôm nay, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã thông qua khoản 15 triệu USD để tiếp tục hỗ trợ công tác quản lý hệ sinh thái biển trên Vịnh Bengal, khoản hỗ trợ này sẽ giúp duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, vì lợi ích của cộng đồng dân cư và các quốc gia ven biển.

Mục tiêu cuối cùng của dự án là hỗ trợ bảo vệ các dich vụ hệ sinh thái được ước tính sẽ đạt giá trị 240 tỉ USD trong vòng 25 năm nữa, và tăng cường dinh dưỡng cũng như cải thiện sinh kế cho hàng trăm triệu dân trong khu vực.
 
Tài nguyên biển xuyên quốc gia là chủ đề vô cùng phức tạp do phải tham vấn rất nhiều bên liên quan. Đồng thời, tài nguyên biển cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề, từ đánh bắt quá mức, nạn khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), cho đến suy giảm môi trường sống, ô nhiễm nước và biến đổi khí hậu.
 
Dự án Quản lý bền vững Hệ sinh thái biển lớn Vịnh Bengal (BOBLME), do FAO chủ trì, được thực hiện từ năm 2009 nhằm tăng cường công tác quản lý của khu vực đối với môi trường và thủy sản trong khu vực. Ngoài nguồn kinh phí của GEF, dự án cũng được Chính phủ Thụy Điển và Nauy hỗ trợ tài chính trong giai đoạn đầu, từ năm 2009 đến năm 2017.
 
Khoản hỗ trợ mới của GEF sẽ giúp FAO và các đối tác của FAO tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị đánh bắt thương mại, ngư dân, viện nghiên cứu và NGO địa phương tăng cường hơn nữa năng lực lập kế hoạch và áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái tổng thể trong quản lý tài nguyên biển.
 
Vịnh Bengal – nguồn sống của hàng trăm triệu người
 
Tám quốc gia phụ thuộc vào Vịnh Bengal – gồm Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Maldives, Myanmar, Sri Lanka và Thái Lan – có khoảng 400 triệu dân đang sống phụ thuộc vào Vịnh Bengal, trong đó phần đông sống ở mức nghèo hoặc dưới mức nghèo. Tuy nhiên, tình trạng liên tục suy thoái tài nguyên biển và ven biển đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và triển vọng tăng trưởng kinh tế của các cộng đồng dân cư.
 
Dự án BOBLME không chỉ gắn kết nhiều chính phủ trong khu vực mà còn cả nhiều bộ, ngành. Bước đột phá đầu tiên của dự án chính là các bộ phụ trách về môi trường và thủy sản của 8 nước này đã đi đến thống nhất quy trình quản lý chung cho hệ sinh thái biển lớn, và cuối cùng thông qua được Chương trình hành động chiến lược.
 
“Trong quá trình xây dựng và thống nhất Chương trình hành động chiến lược, các quốc gia đã dành ưu tiên cho hành động hợp tác cấp khu vực và đưa ra hành động cụ thể của từng quốc gia nhằm thúc đẩy quản lý bền vững Vịnh Bengal và vì lợi ích lâu dài của người dân sống phụ thuộc vào Vịnh Bengal” Phó Tổng giám đốc FAO, bà Maria Helena Semedo, hiện đang tham dự  Kỳ họp Đại hội đồng GEF lần thứ 6 tại Đà Nẵng, Việt Nam, cho biết.
 
Chương trình hành động chiến lược này đã đưa ra bốn lĩnh vực can thiệp chính, bao gồm: quản lý thủy sản bền vững, khôi phục môi trường biển đã xuống cấp để bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý ô nhiễm ven bờ và ô nhiễm biển, cải thiện sinh kế cho người dân và tăng khả năng thích ứng cho các vùng ven biển.
 
Khoản hỗ trợ mới của GEF sẽ giúp chương trình có thêm nhiều hành động cụ thể để đạt được mục tiêu của chương trình, tiếp tục góp phần tăng cường an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo cho các cộng đồng ven biển trong khu vực.