FAO in Viet Nam

Hợp tác thú y theo vùng nhằm tăng cường trao đổi thông tin và thúc đẩy phát triển

12/12/2018

Tăng cường cơ chế hợp tác và trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương  là nhân tố quan trọng của kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Với quan điểm này, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp các bệnh động vật lây truyền qua biên giới (ECTAD) hợp tác với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 6 Chi cục Thú y vùng tổ chức các cuộc họp định kỳ với các Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong vùng nhằm tăng cường giám sát, quản lý dịch bệnh và nâng cao năng lực dịch tễ cấp vùng.

Với hỗ trợ tài chính của Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ, 130 cán bộ Chi cục Thú y vùng và Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong vùng đã tham dự các cuộc họp trong tháng 10 - tháng 11 năm 2018. Trong cuộc họp vùng, các đại biểu đã chia sẻ tình hình dịch bệnh, đặc biệt là tình hình cúm gia cầm và bệnh dịch tả lợn Châu Phi  trên thế giới và ở Trung quốc. Các đại biểu đã thảo luận các biện pháp phòng chống dịch bệnh của địa phương và giải pháp để cải thiện hệ thống giám sát. Đặc biệt, các đại biểu xác định các thách thức và đề xuất giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ trong bối cảnh thay đổi tổ chức của ngành. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận giải pháp để tăng cường sử dụng Hệ thống thông tin dịch bệnh đông vật trực tuyến (VAHIS) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, FAO và Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 8/ 2018. Cuối cuộc họp, cán bộ kỹ thuật của FAO đã thực hiện đánh giá nhu cầu dịch tễ của các Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

“Mời các cán bộ thú y và khuyến khích họ thảo luận về các  thách thức và giải pháp thực sự tạo ra môi trường nhằm tăng cường trao đổi thông tin và tiến hành các hoạt động chung trong tương lai. Chúng tôi tin tưởng rằng nỗ lực điều phối này sẽ nâng cao năng lực phát hiện và ứng phó dịch bệnh của Chi cục Thú y vùng và Chi cục Chăn nuôi và Thú y” ông Pawin Padungtod, Điều phối viên kĩ thuật cao cấp của Chương trình  ECTAD Việt Nam chia sẻ.

Kết quả của hội thảo, các đại biểu đề xuất nhu cầu tăng cường kỹ năng điều tra ổ dịch cho cán bộ thú y cấp huyện. Do đó, một khóa đào tạo giảng viên nguồn (TOT) sẽ được tổ chức trong tháng 12/2018 sau đó các giảng viên nguồn sẽ đào tạo 160 cán bộ thú y cấp huyện vào đầu năm 2019. Ngoài ra, các kết quả đánh giá nhu cầu dịch tễ cấp vùng cũng sẽ được phân tích để tìm ra các thiếu hụt trong kỹ năng của cán bộ cấp tỉnh. Điều tra để cải thiện việc sử dụng VAHIS cũng sẽ được thực hiện và các khóa tập huấn, hội thảo quảng bá cho VAHIS cũng sẽ được thực hiện trong năm 2019.