FAO in Viet Nam

Sơ kết giữa kỳ về thực hiện các hoạt động về an toàn sinh học tại cơ sở ấp trứng và chăn nuôi gia cầm

24/12/2018

Thực hiện an toàn sinh học (ATSH) tại cơ sở chăn nuôi gia cầm đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với phòng và ngăn ngừa bệnh mà còn giúp cải thiện sức khỏe vật nuôi, tăng năng suất sản phẩm. Nhằm tăng cường an toàn sinh học dọc theo chuỗi sản xuất và thị trường, ECTAD (Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp các bệnh động vật lây truyền qua biên giới) của FAO Việt Nam phối hợp với Cục Chăn nuôi triển khai dự án :”Quản lý các mối nguy dựa trên bằng chứng dọc theo chuỗi sản xuất chăn nuôi và thị trường”. Dự án này đã bắt đầu thực hiện từ tháng 12 năm 2017 với sự hỗ trợ tài chính từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT).

FAO ECTAD Viet Nam và Cục Chăn nuôi tổ chức cuộc họp điều phối giữa kỳ tại tỉnh Bắc Giang để rà soát tiến độ thực hiện các hoạt động của dự án, chia sẻ kết quả, kinh nghiệm thu được trong quá trình thực hiện. Tham dự cuộc họp gồm có lãnh đạo và chuyên viên của Cục Chăn nuôi, Chi Cục Chăn nuôi Thú y Bắc Giang, cán bộ bảy trạm thú y huyện tham gia dự án và các chuyên gia tư vấn của FAO. Cho tới nay dự án đã hỗ trợ thực hiện (i) các lớp tập huấn về ATSH cho 166 người ấp trứng và chăn nuôi gia cầm, 13 cán bộ của các Trạm Chăn nuôi Thú y huyện, (ii) lớp tập huấn về đánh giá cấp chứng nhận cho 28 cán bộ quản lý chăn nuôi, (iii) chọn và xây dựng kế hoạch cải thiện ATSH cho 8 mô hình trại chăn nuôi và cơ sở ấp trứng gia cầm, (iv) hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các trại và cơ sở ấp trứng đã được chọn xây dựng mô hình.

Qua đợt sơ kết này, có thể nhận thấy những thay đổi hành vi và những khó khăn về thủ tục hành chính khi thực hiện dự án. Về thay đổi hành vi, chỉ có một số ít phụ nữ nắm quyền điều hành sản xuất trong gia đình tham gia các lớp tập huấn, còn lại đa số là nam, do ở Việt Nam, nam giới thường là chủ gia đình và quyết định mọi vấn đề. Thêm nữa, người chăn nuôi chưa thấy lợi ích khi ghi chép thường xuyên các số liệu sản xuất, thậm chí cả khi được yêu cầu cần phải ghi chép tại các mô hình đang được xây dựng. Về thủ tục hành chính, kinh phí chuyển từ trung ương xuống địa phương (tỉnh Bắc Giang) bị chậm trễ do quá trình phê duyệt dự án kéo dài dẫn đến việc các hoạt động của dự án bị trì hoãn thực hiện.

Để khắc phục các tồn tại trên, nhóm thực hiện dự án và đối tác chính phủ đã thảo luận để đảm bảo việc chuyển kinh phí xuống địa phương kịp thời cho thực hiện các hoạt động. Ngoài ra, dự án cần thu hút nhiều cán bộ Trạm Chăn nuôi Thú y huyện vào các hoạt động tập huấn và xây dựng mô hình, thông báo cho họ về nhiệm vụ của mình thông qua các cuộc họp.

“Ở đợt sơ kết này, chúng tôi đã thấy những kết quả có ý nghĩa như lồng ghép giới trong các hoạt động của dự án gồm cả việc lựa chọn mô hình cơ sở ấp trứng và nuôi gia cầm có chủ là học viên nữ đã tham gia tập huấn. Ngoài ra, dự án thu hút tất cả các bên liên quan ở cấp cơ sở (nông dân) và chính quyền địa phương nhằm tăng cường sự tham gia của cả cộng đồng để đảm bảo tính bền vững của kết quả dự án,” ông Pawin Padungtod, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp của FAO ECTAD Viet Nam nói.

 Dựa trên những kết quả đã đạt được, các hoạt động tiếp theo sẽ được thực hiện để hoàn thành phần còn lại của dự án, các lớp tập huấn còn lại sẽ được tổ chức và các mô hình sẽ được hoàn thiện vào năm 2019.