FAO in Viet Nam

Hội nghị EPI-LABNET lần thứ 17: Hợp tác để cải tiến không ngừng

09/05/2019

Da Nang, Viet Nam. Sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa dịch tễ học và phòng thí nghiệm là nền tảng quan trọng để giám sát dịch bệnh, phòng bệnh và phát triển năng lực. Hội nghị hàng năm của Mạng lưới Phòng thí nghiệm và Dịch tễ (Epi-Labnet) đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự hợp tác giữa hai chuyên ngành được duy trì nhằm hỗ trợ công tác giám sát dịch bệnh trên động vật

Với sự hỗ trợ tài chính từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cục Thú y và Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Động vật Xuyên biên giới (ECTAD) thuộc tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam đã một lần nữa  cùng bắt tay tổ chức Hội nghị Epi-Labnet lần thứ 17 vào hai ngày 9 và 10/5/2019 tại Đà Nẵng. Hội nghị đã có sự tham gia của 35 chuyên gia về dịch tễ và phòng thí nghiệm từ Cục Thú y, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, bảy Chi cục Thú y vùng, các trường đại học, USAID và FAO.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thông tin cập nhật về tình hình các dịch bệnh động vật quan trọng như Cúm Gia cầm (CGC), Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và bệnh Lở mồm long móng (LMLM) trong giai đoạn 2018-2019. Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về những khoảng trống trong các chương trình và các quy trình chẩn đoán hiện hành.

Phiên thảo luận về CGC đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc chú ý sát sao hơn đến cúm gia cầm độc lực thấp H9 để ngăn chặn và giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế. Những khoảng trống trong chương trình giám sát dịch bệnh hiện nay cũng đã được các đại biểu thảo luận, như khoảng trống trong khâu lập kế hoạch/thiết kế, lấy mẫu, xét nghiệm và công tác điều tra bổ sung.

Đối với DTLCP, Chi cục Thú y vùng 6 (thành phố Hồ Chí Minh) đã trình bày kết quả giải trình tự gien của vi rút từ ba ổ dịch đầu tiên tại Việt Nam (tại các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên và Thanh Hóa). Các chuyên gia của FAO đề xuất cập nhật quy trình điều tra DTLCP và đã được các đại biểu hưởng ứng nhiệt tình. Các đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề tồn đong trong quy tình chẩn đoán hiện tại, ví dụ: thiếu sự đồng bộ hóa giữa các quy trình áp dụng tại các Chi cục Thú y vùng; cần cải tiến quy định về thời gian lấy mẫu và gộp các mẫu bệnh phẩm; cần công nhận độ tin cậy của thiết bị xét nghiệm nhanh.

Hội nghị cũng được nghe chia sẻ  kết quả của nghiên cứu từ chương  trình hợp tác trao đổi kỹ thuật giữa các nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia liên quan đến dịch tễ học phân tử của vi rút LMLM. Một trong những gợi ý quan trọng được chuyên gia của FAO đưa ra là cần thiết thực hiện đánh giá hiệu lực   vắc xin để xác định hiệu quả của loại vắc xin hiện đang được sử dụng.

Các thông tin quan trọng khác cũng được trình bày tại Hội nghị bao gồm: cập nhật về các dịch bệnh thủy sản, giới thiệu công cụ trực tuyến mới có tên OPTIMIA để đánh giá tính hiệu quả của các chiến lược giám sát CGC, và đề xuất nhằm hỗ trợ quản lý chất lượng phòng thí nghiệm.

Hội nghị đã khép lại thành công với đề xuất các nhiệm vụ cụ thể do nhóm chuyên trách về dịch tễ và phòng thí nghiệm của Cục Thú y chịu trách nhiệm thực hiện. Các hội nghị Epi-Labnet thường niên đóng vai trò không thể thiếu trong việc hỗ trợ phát triển năng lực, củng cố mạng lưới giữa các đợn vị trưc thuộc Cục Thú y cũng như tăng cường sự hợp tác giữa Cục Thú y và các tổ chức khoa học liên quan.