FAO in Viet Nam

FAO cảnh báo vô vàn tác động của virút, thảm họa và thiệt hại kinh tế sẽ gây ra nạn đói ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

28/05/2020

Bangkok , Thailand.  Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) đã cảnh báo rằng trong lúc thế giới đang vừa phải gồng mình để làm chậm tốc độ lây lan của COVID-19, đại dịch khủng khiếp chưa từng có trong suốt thế kỷ, các nước Nam Á lại vừa phải đối phó với thảm họa châu chấu, lốc xoáy và dịch bệnh trên gia súc. Tất cả những thảm họa này có nguy cơ làm cho tình trạng đói và sinh kế của hàng triệu người dân càng thêm trầm trọng.

Từng đàn châu chấu sa mạc bay từ Châu Phi tới Tây Á, tấn công thảm thực vật ở một số khu vực của Iran và Pakistan, và hiện đang đe dọa cây trồng ở Ấn Độ. Đây là tình trạng chưa từng thấy trong suốt hơn một thế hệ qua. Sâu keo mùa thu (SKMT), côn trùng gây hại trên ngô, di cư từ Châu Phi sang Châu Á vào năm 2018, cũng đã lây lan khắp châu lục và sang cả Úc.

Trong khi đó, bệnh tả lợn châu Phi (ASF) lại tái phát ở ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và lần đầu tiên đã phát hiện ở Ấn Độ. Dịch tả lợn châu Phi phá hủy ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc vào năm 2018 và 2019, cũng đã được phát hiện lần đầu tiên tại tiểu khu vực Thái Bình Dương, với nhiều ca nhiễm ở Papua New Guinea.

Các trận lốc xoáy như Amphan và Vongfong đã khiến cho thiệt hại thêm trầm trọng ở một số quốc gia vốn đã phải gồng mình ứng phó với đại dịch COVID-19.

Nhiều thách thức đối với khu vực vốn đã khó khăn

Mặc dù các nước trong khu vực đã thực hiện biện pháp phong tỏa để đáp ứng đại dịch COVID-19 song thiệt hại về kinh tế, tính mạng và sinh kế của hàng triệu người, bão lớn và dịch bệnh trên động thực - vật cùng lúc ập đến sẽ chỉ làm cho tổn thất càng nghiêm trọng hơn.

Ông Jong-Jin Kim, Phó Trưởng đại diện FAO khu vực và Trưởng Văn phòng FAO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết “Chúng ta không thể và không được đánh giá thấp thiệt hại về tính mạng và sinh kế, những thảm họa này xảy ra đồng thời sẽ có tác động tới an ninh lương thực và nạn đói ở khu vực này, nơi tập trung phần đông dân số suy dinh dưỡng”. “Giờ đây, chúng ta vừa phải tiếp tục cứu người dân và khống chế sự lây lan của COVID-19, vừa phải chiến đấu trên nhiều mặt trận và nhiều kẻ thù ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương này,” ông Kim nói thêm. Bệnh tả lợn Châu Phi – không nguy hiểm với người nhưng khiến lợn chết và gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi Bệnh tả lợn Châu Phi (ASF) đã trở thành mối quan ngại lớn ở Châu Á với 5.000 ổ dịch trên toàn khu vực và gần đây đã xuất hiện ở tiểu khu vực Thái Bình Dương. Số đầu lợn ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chiếm trên 50% tổng đàn lợn của thế giới (số liệu thống kê năm 2018 của FAO) và thịt lợn là một trong những nguồn protein động vật chính của người dân ở khu vực này.

Dịch tả lợn châu Phi, gây chết cho lợn song không gây hại cho người, khiến cho hàng triệu con lợn ở Trung Quốc bị chết và tiêu hủy. Trung Quốc vốn là nước đầu tiên bị thiệt hại nặng nề do dịch vào năm 2018 và 2019. Năm nay, lần đầu tiên, dịch này được phát hiện ở Ấn Độ. Một lần nữa, các cơ quan chức năng lại phải cố gắng ứng phó với bùng phát bệnh trong khi đồng thời ứng phó với COVID-19 và mối đe dọa của nạn châu chấu.

Châu chấu sa mạc – dịch hại nguy hiểm nhất của thế giới

Châu chấu sa mạc có thể phá hủy phần lớn thảm thực vật, bao gồm cả cây dại và đất đồng cỏ, và tấn công cả rau cũng như cây ăn quả.

Một đàn châu chấu sa mạc có thể phủ kín cả 1 km2 và có tới 80 triệu con. Theo chuyên gia của FAO, nếu không thực hiện thêm nhiều biện pháp để đối phó thì ước tính số lượng châu chấu có thể gấp 20 lần trong mùa mưa tới ở Nam Á. FAO hiện đang theo dõi sự di chuyển của châu chấu ở Châu Phi, Châu Á và Trung Đông.

Sâu keo mùa thu (SKMT) đổ bộ vào Châu Á

Ở nhiều nước chịu ảnh hưởng của sâu keo mùa thu, lệnh phong tỏa COVID-19 đã khiến cho các hoạt động quản lý loại dịch hại này bị giảm bớt hoặc bị dừng hoàn toàn. FAO đã xuất bản hướng dẫn ứng phó với bùng phát SKMT trong khi các nước vừa phải ứng phó với COVID-19 vừa phải ứng phó với nhiều thách thức khác.

Nông dân cần được hỗ trợ để quản lý SKMT một cách bền vững trong hệ thống canh tác thông qua các hoạt động Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). FAO đã đưa ra Hành động toàn cầu nhằm phòng chống SKMT để ứng phó với mối đe dọa mà SKMT gây ra cho an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ trên toàn thế giới. 

FAO tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên ở Châu Á và Thái Bình Dương

“FAO sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên đối phó với các mối đe dọa ở thời điểm rất khó khăn này”, ông Kim cho biết. “Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua vì lợi ích của chính chúng ta, và vì lợi ích của thế hệ tương lai”.