FAO in Viet Nam

Truyền thông về an toàn thực phẩm trong bối cảnh COVID-19 – chinh phục sự tin tưởng của khách hàng

17/11/2020

Bangkok, Thái Lan – Ngày hôm nay, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) ra công bố liên quan đến những thông tin sai lệch về tác động của đại dịch COVID-19 đối với vấn đề an toàn thực phẩm ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Việc này đã dẫn tới những sự hiểu nhầm và lo ngại ở nhiều người tiêu dùng, và cần phải được đính chính một cách chính xác.
 
Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng và các hoạt động thương mại quốc tế trên toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những mối lo ngại của các bên liên quan và người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm, rằng COVID-19 có thể lây truyền qua thực phẩm – mối lo ngại bị ảnh hưởng nhiều từ những nguồn thông tin không chính xác và không đầy đủ – đã làm dấy lên những sự hiểu nhầm.
 
Để giải quyết những hiểu nhầm này, FAO cùng các đối tác đã tổ chức một Hội thảo Khu vực về An toàn Thực phẩm ở Châu Á-Thái Bình Dương khai mạc ngày hôm nay và sẽ kéo dài trong 4 ngày. Diễn đàn trực tuyến với đầu cầu chính ở Bangkok lần này sẽ rà soát/thẩm định lại nhiều trường hợp nghi vấn thực phẩm nhập khẩu có nhiễm COVID-19 nhằm khôi phục niềm tin, đồng thời khuyến khích tăng cường vấn đề vệ sinh trong vận chuyển, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.
 
Ông Kim Jong Jin, Trợ lý Tổng Giám đốc FAO và Trưởng đại diện FAO Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phát biểu: “Trên toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, những tin tức về các vấn đề an toàn thực phẩm thường rất được quan tâm, và các báo cáo về thực phẩm bẩn hay các bệnh lây lan từ thực phẩm thường gây báo động trong công chúng và gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp địa phương. Sự quan ngại của người tiêu dùng có thể phản ánh việc thiếu niềm tin đối với việc thực thi pháp luật và các thực hành liên quan đến an toàn thực phẩm, và đó là lý do tại sao một diễn đàn như ngày hôm nay lại thực sự quan trọng trong việc khôi phục niềm tin đối với an toàn thực phẩm liên quan đến vi-rút corona, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta rằng vệ sinh thực phẩm là điều cần thiết để tránh nhiễm phải các bệnh lây truyền qua thực phẩm cũng khá nghiêm trọng khác”.
 
Tại Hội thảo, các chuyên gia về an toàn thực phẩm từ nhiều nước trong khu vực đều nhấn mạnh tầm quan trọng then chốt và tiên quyết của các chương trình an toàn thực phẩm, ví dụ như các cách thực hành vệ sinh, đồng thời cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp nỗ lực nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cũng như các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), nhu cầu đầu tư vào công nghệ mới và số hóa.
 
Cần phải chinh phục niềm tin của khách hàng – và điều này đòi hỏi phải có đầu tư
 
Cải thiện các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đòi hỏi cần có các khoản đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng và năng lực kỹ thuật nhằm đảm bảo rằng tất cả thực phẩm được bán ở các chợ, cửa hàng và siêu thị đều an toàn đối với con người. Lấy một ví dụ, ở nhiều nơi trong khu vực, các kho lạnh và hệ thống vận chuyển phù hợp vẫn còn khá hiếm, dẫn tới rủi ro cao trong việc thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn và gây bệnh nếu không được nấu nướng kỹ.
 
Một trong những ưu tiên quan trọng đối với các nước thành viên là đảm bảo sự tương đồng, nếu không muốn nói là phải hài hòa hóa, các khuôn khổ pháp lý và quy định về quản lý thực phẩm, bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu. Về lý thuyết, việc tiến hành các đánh giá an toàn thực phẩm quốc gia, có điều chỉnh hoàn thiện theo thời gian cùng với các chỉ số rõ ràng, là một cách tiếp cận tốt. Tuy nhiên, một ưu tiên hàng đầu chính là phải đảm bảo có các cơ chế phối hợp đa ngành theo toàn bộ chuỗi thực phẩm và quản trị doanh nghiệp tốt, với các quy định được cập nhật và thực thi hiệu quả.
 
Hợp tác với báo chí để đưa thông tin chính xác
 
Sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đã ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Những thông tin không chính xác có thể lan rất nhanh thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và các kênh điện tử, và ở những kênh này, việc thiếu tính chính xác có thể dẫn đến những nỗi sợ hãi vô căn cứ, từ đó mà nhiều người có những hành động không cần thiết, ví dụ như tiêu hủy thực phẩm, do tin vào những tin đồn thay vì thông tin khoa học. Những hạn chế về chuyên môn trong lĩnh vực truyền thông về rủi ro ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương càng khiến vấn đề này trầm trọng hơn. Điều này nếu có thể cải thiện có thể góp phần đảm bảo rằng thông tin chính xác được cung cấp đúng lúc nhằm ngăn chặn những sự hiểu nhầm của người tiêu dùng.
 
Truyền thông thay đổi hành vi, cùng với việc tạo ra 'văn hóa an toàn thực phẩm'  là những cách tiếp cận cần được ưu tiên trong chương trình hành động của các cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm tại mỗi nước. Điều này cũng đòi hỏi một sự cam kết nghiêm túc nhằm tăng cường hiểu biết giữa các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, các bên tham gia trong chuỗi cung ứng và người tiêu dùng, đảm bảo có các biện pháp an toàn thực phẩm hiệu quả từ trang trại tới bàn ăn.
 
Thông điệp tóm lược của diễn đàn là tất cả chúng ta phải hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm làm sáng tỏ những vấn đề về an toàn thực phẩm trên các phương tiện truyền thông quốc gia.
 
An toàn thực phẩm đồng nghĩa với an ninh thực phẩm
 
Hiện nay mọi người đều nhận thức được rằng an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng phải đi cùng với nhau, và để đạt được mục tiêu Xóa Đói trong khuôn khổ các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) thì không chỉ cần cung cấp đầy đủ thực phẩm mà còn phải đảm bảo được thực phẩm an toàn và đủ dinh dưỡng cho tất cả mọi người.
 
Hội thảo Khu vực về An toàn Thực phẩm ở Châu Á-Thái Bình Dương do FAO và Bộ Y tế Công cộng Thái Lan đồng tổ chức. Hội thảo hoan nghênh tất cả các cơ quan chức năng, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự, các viện nghiên cứu, trường đại học, sinh viên, báo chí và công chúng cùng tham gia thảo luận chuyên sâu về các vấn đề lớn liên quan đến an toàn thực phẩm. Các phiên thảo luận trực tuyến được tổ chức trong suốt 4 ngày trong tháng 11. Nếu ai có quan tâm có thể đăng ký tham gia miễn phí tại đường link này.
 
Chủ đề của diễn đàn lần này là "Cùng quản lý – Cùng ủy thác – Cùng tham gia". Liên quan tới việc chinh phục niềm tin của người tiêu dùng trong vấn đề an toàn thực phẩm, luôn có càng nhiều người tham gia càng tốt.