FAO in Viet Nam

Tập huấn kỹ thuật phòng chống bệnh dịch

19/09/2014

Từ ngày 3 đến 14 tháng 9 năm 2014, Trung tâm Cứu trợ Khẩn cấp Bệnh Động vật Xuyên biên giới (ECTAD) của FAO Việt Nam tổ chức hai khóa tập huấn đào tạo giảng viên nòng cốt về bệnh dại tại hai tỉnh Phú thọ và Thái Nguyên nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng thú y và y tế địa phương để đảm bảo tính hiệu quả của chương trình phòng chống và kiểm soát bệnh dại tại hiện trường. Các khóa “đào tạo giảng viên” này đã tập hợp được đội ngũ cán bộ thú y và y tế cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lại với nhau với tinh thần  Một Sức khỏe, như được nêu trong Thông tư liên tịch số 16 ngày 27 tháng 5 năm 2013 đồng ban hành bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Y Tế.

Mục đích của khóa tập huấn là trang bị cho lực lượng cán bộ chuyên môn địa phương kỹ năng bắt chó và tiêm phòng dại, và nâng cao kiến thức kỹ thuật về bệnh dại cho họ, từ đó những người tham dự tập huấn sẽ được chuẩn bị tốt hơn cho việc giải thích thông tin về phòng chống bệnh dại cho những người nuôi chó và cộng đồng địa phương. Giảng viên khóa tập huấn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của độ bảo phủ tiêm phòng được ít nhất 70% tổng đàn chó thực tế để có thể giảm các ca lây dại từ chó sang người. Khóa tập huấn cũng xây dựng một chương trình quản lý lồng ghép các trường hợp bị chó cắn nhằm chia sẻ thông tin và điều phối tốt hơn giữa hai ngành thú y và y tế.

Chương trình ECTAD Việt Nam và Cục Thú y-Bộ NNPTNT mời các chuyên gia kỹ thuật và chuyên viên đào tạo từ Chương trình ECTAD In-đô-nê-xia và các Chi cục Thú y và Chăn nuôi của Huyện Gianyar, Bali, sang tham dự tập huấn. Họ chia sẻ các câu chuyện thành công và bài học kinh nghiệm thu được từ chương trình phòng chống bệnh dại thành công của họ ở đảo Bali. Các học viên Việt Nam cũng có cơ hội thực hành kỹ thuật bắt và tiêm phòng cho chó ngay tại hiện trường cùng với đội đặc nhiệm kiểm soát bệnh dại In-đô-nê-xia, gồm những người bắt và tiêm phòng chó giỏi nhất.

Theo kết luận của đoàn nghiên cứu đánh giá tình hình bệnh dại 2013 của FAO, Việt Nam có số lượng chó không tiêm phòng rất cao và nhận thức của người dân về bệnh dại thấp và chủ nuôi chó thiếu trách nhiệm với vật nuôi.. Đoàn đánh giá cũng chỉ ra rằng có nhiều người không thực hiện hay tiếp cận các biện pháp phòng bệnh sau phơi nhiễm, nguyên nhân là do nhận thức của họ về rủi ro bệnh dại còn thấp, hoặc không đủ tiền mua vắc xin. Để cải thiện tình tình phòng chống dịch dại ở Việt Nam, Chương trình ECTAD tại Việt Nam đang tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Chính phủ Việt Nam.