FAO in Viet Nam

Khảo sát cơ sở gây nuôi động vật hoang dã để giúp động vật và sản phẩm từ động vật hoang dã an toàn và khỏe mạnh tại Việt Nam

06/02/2015

Tp Hồ Chí Minh, Việt Nam – Các dữ liệu mới về gây nuôi động vật hoang dã đã được công bố ngày hôm nay tại Hội thảo phổ biến kết quả khảo sát cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Hội thảo đã chia sẻ các thông tin về quy mô và các loại động vật hoang dã được gây nuôi tại các tỉnh phía Nam được thu thập qua một cuộc khảo sát số liệu cơ sở. Nghiên cứu này là một dấu mốc quan trọng đối với Việt Nam bởi nó đánh dấu điểm khởi đầu các nỗ lực nhằm thu hút các cam kết cũng sự quan tâm để giúp cho việc gây nuôi động vật hoang dã ở Việt Nam trở nên an toàn hơn. Hội thảo này do Trung tâm Khẩn cấp về các Bệnh Động vật xuyên Biên giới (ECTAD) thuộc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổng cục Lâm nghiệp (VNForest) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD) đồng tổ chức. Nghiên cứu khảo sát lần này được tài trợ bởi Chương trình phòng chống các nguy cơ đại dịch mới nổi (EPT) của USAID và được triển khai thực hiện với đối tác EPT, PREVENT.

Tiến sĩ Scott Newman, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp của FAO ECTAD Việt Nam cho biết: “Do hầu hết các dịch bệnh ở người đều có nguồn gốc từ động vật, nhất là từ động vật hoang dã, cho nên việc xây dựng một hệ thống quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã có tổ chức, khởi đầu với cuộc khảo sát này của chúng tôi, sẽ góp phần vào việc xây dựng các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã không có dịch bệnh tại Việt Nam và cung cấp thực phẩm an toàn cho bàn ăn của chúng ta”.

Kết quả khảo sát đã cho thấy rằng có khoảng 1.218.000 động vật, thuộc 185 loài động vật hoang dã, hiện đang được gây nuôi tại các cơ sở ở  12 tỉnh/thành khảo sát thí điểm. Cơ sở gây nuôi động vật hoang dã phổ biến nhất là cơ sở gây nuôi nhím, rắn ráo trâu và hươu, nai trong khi các loài có số lượng cá thể được gây nuôi nhiều nhất là cá sấu và ba ba. Các cơ sở gây nuôi cầy, động vật linh trưởng và lợn rừng, vốn là các loài có nguy cơ cao làm lây lan các bệnh truyền lây từ động vật sang người, cũng đã được khảo sát trong khi các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm cũng được chú ý bởi vì rất nhiều động vật hoang dã được gây nuôi cho tiêu dùng làm thực phẩm. Cuộc khảo sát đã tiến hành thu thập  kết quả từ 4.099 cơ cở gây nuôi động vật hoang dã đang hoạt động và 1.907 cơ sở mới ngừng hoạt động tại 12 tỉnh/thành phía Nam gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh.

“Các bản đồ cập nhật về phân bố động vật hoang dã được gây nuôi từ cuộc khảo sát này sẽ giúp các cơ quan quản lý hiểu rõ về số lượng, vàcác phương thức gây nuôi động vật hoang dã tại 12 tỉnh/thành tham gia dự án thí điểm lần này. Điều này sẽ giúp tăng cường việc quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã và mang lại sự hiểurõ ràng hơn  về các vấn đề chăn nuôi, an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi, an toàn thực phẩm và y tế mà các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần phải có định hướng can thiệp trong tương lại,” ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (VNForest) khẳng định.

Cuối cùng, việc nâng cao thực hành chăn nuôi an toàn sinh học ở các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, giám sát thú y và thiết lập cơ sở dữ liệu về các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên toàn quốc sẽ giúp tăng cường việc quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, hỗ trợ việc sản xuất ra các sản phẩm thịt động vật hoang dã an toàn hơn, và đồng thời giúp ngăn ngừa việc lây lan dịch bệnh giữa các động vật hoang dã được gây nuôi cũng như ngăn ngừa khả năng lây lan dịch bệnh sang các động vật hoang dã trong tự nhiên, động vật nuôi và con người.

“Chúng tôi vui mừng được hỗ trợ các chương trình phát triển tại Việt Nam nhằm giúp xây dựng các môi trường an toàn hơn cho cả con người và động vật thông qua việc hoàn thiện hệ thống quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã,” Ông Joakim Parker, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết đồng thời khẳng định: “USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người qua dự án EPT2 mới của chúng tôi.”

Tờ thông tin :  Báo cáo sơ lược về thí điểm cập nhật dữ liệu các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã ở miền Nam Việt Nam

Infographic : QUẢN LÝ CƠ SỞ GÂY NUÔI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ HIỆU QUẢ Ở VIỆT NAM

Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam (VNForest), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Ông. Đỗ Quang Tùng
Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam
Tel: 84 4 3733 5676
E-mail: [email protected]

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO)
Ms. Ki Jung Min
Cán bộ Truyền thông
Tel: 84-4- 3942.4208 (Máy lẻ 44)
Email: [email protected]