FAO in Viet Nam

Nông nghiệp Thích ứng với Biến đổi khí hậu: Kết hợp hài hòa giữa Giảm thiểu, Thích ứng và An ninh lương thực

16/07/2015

Việt Nam hiện có khả năng ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu sau ba năm thực hiện các cách tiếp cận của dự án “Nông nghiệp Thích ứng với Biến đổi khí hậu (CSA)” của FAO.

“Dự án đã đạt được những kết quả ấn tượng nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), các viện nghiên cứu, các chuyên gia trong nước, và chính quyền các tỉnh liên quan,” nhận định của Jong-Ha Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam.

Để khai thác tốt hơn các phát hiện của dự án, FAO và Bộ NNPTNT đồng tổ chức một hội thảo trong hai ngày 16-17/7/ 2015 tại Hà Nội nhằm khuyến khích nhà tài trợ của dự án là Ủy ban Châu Âu (EC), các cơ quan tài trợ khác, và Chính phủ Việt Nam tiếp tục các nỗ lực duy trì CSA trong tương lai.

Ông JongHa Bae phát biểu tại Hội thảo: “Các kết quả của Hội thảo sẽ tạo thuận lợi cho đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách an ninh lương thực, nông nghiệp, và biến đổi khí hậu trong quá trình tham vấn các bên liên quan chính để đạt được sự đồng thuận về các hoạt động ưu tiên cần đưa vào trong chiến lược quốc gia về CSA.
 
Dự án kết thúc tháng trước, đã thành công trong việc xây dựng cơ sở bằng chứng, tăng cường năng lực, phân tích chính sách, tăng cường đối thoại, và tổ chức hội thảo xây dựng kịch bản nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu cùng tác động tiềm tàng thông qua các chính sách nông nghiệp, đồng thời xác định cơ hội đầu tư cho CSA.   

Trong khuôn khổ Chương trình Đổi mới Chính sách và Kinh tế để Phát triển Nông nghiệp Thích ứng với Biến đổi khí hậu của FAO tại Rome, Dự án tại Việt Nam được đồng thực hiện bởi Bộ NNPTNT với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Miền núi phía Bắc (NOMAFSI) là cơ quan đầu mối thực hiện Dự án. Các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Yên Bái ở vùng núi phía Bắc là các tỉnh được chọn để thực hiện các hoạt động tại hiện trường của dự án.

Dự án đã phân tích chi phí và lợi ích của một số phương pháp thực hành CSA phù hợp, các rào cản đối với việc thực hiện chúng, và tác động của chúng đến năng suất, có tính đến môi trường sinh thái nông nghiệp, các mô hình khí hậu và các thể chế liên quan. Dự án cũng tiến hành phân tích chuỗi giá trị để xác định tiềm năng phát triển chè Shan Tuyết và cà phê Arabica tại vùng miền núi phía Bắc.