FAO in Viet Nam

Hỗ trợ Nỗ lực Không còn Nạn đói tại Việt Nam

13/10/2015

Sáng kiến Không còn Nạn đói    

Sáng kiến Không còn Nạn đói (ZHC) được Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra lần đầu tại Hội nghị Phát triển Bền vững Rio+20 tại Brazil vào tháng 6/2012. Sáng kiến kêu gọi tất cả các nước cùng chung tay chấm dứt nạn đói và phát triển bền vững với năm mục tiêu (i) 100% người dân có khả năng tiếp cận đủ lương thực trong suốt cả năm,(ii) Không còn trẻ em dưới 2 tuổi  bị thấp còi, (iii) Tất cả các hệ thống lương thực thực phẩm đều bền vững, (iv) tăng trưởng 100% năng suất và thu nhập ở các hộ sản xuất quy mô nhỏ, nhất là các hộ do phụ nữ làm chủ, và (v)  không còn tổn thất, lãng phí lương thực thực phẩm, xúc tiến tiêu dùng có trách nhiệm.

Tháng 12/2013, sau khi tham vấn mở rộng nhiều nhóm lợi ích liên quan, Nhóm Công tác Chủ đề Xóa đói Giảm nghèo Khu vực của LHQ, do FAO chủ trì, có UNDP và ESCAP đồng chủ trì, xây dựng Khung Hướng dẫn Khu vực  để Không còn Nạn đói tại Châu Á-Thái Bình Dương. Khung này được thông qua tháng 12/2013 tại Hội nghị Bộ trưởng về Hợp tác và Hội nhập Kinh tế Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương do ESCAP tổ chức. Mục đích xây dựng khung này là nhằm hỗ trợ cho các nước thành viên của LHQ trong khu vực xác lập và thực hiện các sáng kiến không còn nạn đói quốc gia. 

 

Kế hoạch Hành động Quốc gia để Không còn Nạn đói tại Việt Nam

GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn gấp ba kể từ năm 1991 đến năm 2012 và tỷ lệ nghèo, thiếu ăn và suy dinh dưỡng cũng giảm mạnh. Tỷ lệ thiếu ăn trong tổng dân số giảm xuống còn khoảng 8% trong giai đoạn 2011-2013 từ 47% vào 20 năm trước, và tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi hay nhẹ cân cũng giảm được khoảng một phần ba so với thời điểm đó. Đây là những thành tựu rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn xóa sạch nạn đói trong thập kỷ tới. Khả năng tiếp cận lương thực vẫn là vấn đề nan giải đối với nhiều hộ gia đình, nhất là tại các vùng nông thôn hay miền núi, nơi mà tình trạng nghèo đói có thể vẫn rất nghiêm trọng. Khoảng một trong số 8 trẻ em Việt Nam vẫn bị nhẹ cân và 1 trong 4 trẻ bị còi cọc. Việc đảm bảo tính bền vững cho hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam vẫn là một quan ngại lớn. Một nội dung quan trọng trong bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề này là phải giảm được tổn thất và lãng phí lương thực thực phẩm. Những hộ tiểu nông bị hạn chế về khả năng tiếp cận tài sản sản xuất như đất đai chiếm phần đông trong số nông dân. Tăng năng suất bền vững là điều kiện không thể thiếu để họ có thể tăng được thu nhập của mình.

Mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2025 được Chính phủ Việt Nam cùng cam kết thực hiện. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị FAO hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia hưởng ứng Sáng kiến ZHC.

Mục tiêu tổng thể của dự án này là xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia để Không còn Nạn đói , làm cơ sở cho mục tiêu xóa đói và suy dinh dưỡng tại Việt Nam vào năm 2025, đồng thời đóng góp cho Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 2016-2020, đặc biệt là hai Chương trình Mục tiêu Quốc gia (CTMTQG): (i) Giảm Nghèo Bền vững, và (ii) Xây dựng Nông thôn Mới