FAO in Viet Nam

FAO và Cục Thú y hợp tác chặt chẽ để bảo vệ sinh kế của người dân trước vi rút cúm A (H7N9)

03/03/2017

Hà Nội, Việt Nam. Các nhà chức trách Trung Quốc gần đây báo cáo số người mắc cúm A (H7N9) tại Trung Quốc đang gia tăng đột biến, lên tới hơn 400 ca trong vòng 3 tháng qua, các chợ gia cầm sống là những địa điểm chính  làm lây lan vi rút này từ gia cầm sang gia cầm và từ gia cầm sang người. Hiện nay Việt Nam chưa phát hiện vi rút cúm A (H7N9), tuy nhiên Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO) và Cục Thú y, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN và PTNT) đang hết sức quan tâm và huy động các nguồn lực bổ sung nhằm ngăn chặn sự xâm nhiễm và cũng như sớm phát hiện cúm A (H7N9) dọc theo khu vực biên giới phía Bắc. Do vi rút cúm A (H7N9) không gây ra triệu chứng lâm sàng trên gà, nên gà nhiễm vi rút  trông hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, công tác phát hiện dịch sớm vì vậy gặp khó khăn.

Ngày 26/2/2017, tại tỉnh Lạng Sơn,  Bộ NN và PTNT đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức “Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn chủng vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhiễm qua biên giới”. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám và Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Lý Vinh Quang đã đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị được nghe các báo cáo cập nhật thông tin về cúm A (H7N9) nhằm đạt được cam kết chính trị về việc chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp phát hiện có sự xâm nhiễm của vi rút cúm A(H7N9). Tham dự hội nghị có đại diện của Văn phòng chính phủ, một số Bộ, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y/Chăn nuôi và Thú y của 25 tỉnh, thành phố phía Bắc có liên quan; đại diện Tổ chức quốc tế và nước ngoài như: FAO, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC), lãnh đạo Cục Thú y đại diện cơ quan thông tấn, báo chí.

Nhằm ngăn ngừa việc xâm nhiễm và phát tán vi rút cúm A(H7N9), FAO khuyến nghị Cục Thú y và các tỉnh biên giới phía Bắc cần ngăn ngừa việc vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, phát hiện gia cầm nhiễm vi rút thông qua việc lấy mẫu và xét nghiệm đối với cả gia cầm mắc bệnh và gia cầm khỏe dọc theo chuỗi giá trị, thường xuyên vệ sinh các chợ gia cầm sống và đưa thông tin rõ ràng tới cho người dân. Các cơ quan thú y tỉnh cũng được khuyến khích phối hợp với các cơ quan y tế trong việc điều tra tình trạng gia cầm chết trong cộng đồng tại những nơi có phát hiện có bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi nặng do vi rút. Bản thân các cán bộ thú y cũng cần phải tuân thủ các biện pháp bảo hộ lao động khi tiếp xúc với cả gia cầm ốm cũng như gia cầm khỏe do gia cầm nhiễm cúm A(H7N9) bề ngoài nhìn vẫn rất khỏe mạnh.

Hợp tác 14 năm qua giữa FAO và Cục Thú y (Bộ NN và PTNT) nhằm giúp Việt Nam an toàn hơn trước dịch cúm gia cầm.
Từ năm 2004, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp Dịch bệnh Động vật Xuyên biên giới thuộc FAO Việt Nam đã hỗ trợ Cục Thú y ứng phó với dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) H5N1. Năng lực dịch tễ học thực địa và chẩn đoán xét nghiệm được xây dựng trong suốt quá trình hợp tác giúp cải thiện đáng kể khả năng chẩn đoán cúm gia cầm và phòng chống hiệu quả việc phát tán cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam. Năng lực này cũng sẽ giúp giảm nguy cơ vi rút cúm A(H7N9) xâm nhập Việt Nam và đáp ứng trong trường hợp phát hiện loại vi rút này tại Việt Nam. Thông qua sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương và 7 Cơ quan Thú y vùng, việc giám sát kịp thời đối với các vi rút cúm gia cầm, trong đó có cúm gia cầm A (H7N9) đang được triển khai để bảo đảm phát hiện ngay lập tức vi rút cúm gia cầm ở Việt Nam. FAO và Cục Thú y thường xuyên thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các tỉnh dọc biên giới phía Bắc, nơi nguy cơ bị vi rút cúm A(H7N9) xâm nhiễm cao nhất.

Kể từ khi phát hiện vi rút cúm A (H7N9) tại Trung Quốc vào năm 2013, FAO và Cục Thú y đã triển khai diễn tập tại Hà Nội và Lạng Sơn cho các cán bộ y tế và thú y để trải nghiệm mô phỏng tình huống bùng phát dịch cúm  A(H7N9) và tìm kiếm các giải pháp phối hợp được tốt hơn. Các báo cáo đánh giá về kiểm soát tại biên giới, năng lực của các bệnh viện và các chợ bán gia cầm sống tại các tỉnh biên giới đã được đồng thực hiện bởi các chuyên gia y tế và thú y để bảo đảm rằng các bên liên quan được chuẩn bị kỹ lưỡng cho khả năng xâm nhập của cúm A(H7N9) cũng như triển khai ứng phó càng nhanh càng tốt để giảm thiểu các tác động. Các nghiên cứu về chuỗi giá trị gia cầm cũng được thực hiện để xác định các địa điểm mà tại đó có nhiều tiềm năng vi rút có thể xâm nhập cũng như đường lây lan của dịch bệnh. “Do các tình huống khẩn cấp xẩy ra đều không biết trước, nên việc chuẩn bị là hết sức quan trọng nhằm giúp chúng ta có thể ứng phó hiệu quả khi dịch bệnh. Trên cơ sở năng lực thú y đã được nâng cao thông qua sự hợp tác lâu dài giữa hai bên, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam đã chuẩn bị rất sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp nếu phát hiện ra một loại vi rút và bệnh dịch mới có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân và sinh kế của họ,” Ông Pawin Padungtod, Điều phối viên Kỹ thuật cấp cao của FAO Việt Nam phát biểu.

“Mặc dù vi rút cúm A(H7N9) chưa được chưa phát hiện Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn đang làm việc rất tích cực để bảo vệ đường biên giới, ngăn chặn sự lây lan của vi rút và phát hiện kịp thời trong trường hợp vi rút xâm nhập Việt Nam. Chúng ta cần bảo đảm rằng các nguồn lực, sự quan tâm và các cam kết phải được các bên liên quan đóng góp để bảo đảm rằng người dân Việt Nam và các hoạt động chăn nuôi, buôn bán gia cầm của họ được được bảo vệ trước loại vi rút này,” ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN và PTNT cho biết.

Một số thông tin về vi rút cúm A (H7N9):

•    Loại vi rút này chứa các chủng gien từ ba nguồn gia cầm: 1) chủng N9 từ các loài chim hoang dã, 2) chủng H7 từ vịt ở Trung Quốc, tương tự như chủng đã phân lập được trong giai đoạn 2010-2012, và 3) các kiểu gien nội khác từ đàn gia cầm nuôi tại khu vực.
•    H7N9 là loại vi rút phát tán trong gia cầm và lây lan sang người tại Trung Quốc từ đầu năm 2013. Hiện tại, đến ngày 22/2/2017, các tỉnh ở Trung Quốc đã tìm thấy vi rút lây nhiễm cho 1230 người nhiễm và khiến 428 người tử vong (tỷ lệ tử vong gần 40%).
•    Vi rút cúm không lây truyền khi ăn các thực phẩm đã nấu chín. Vi rút cúm bị bất hoạt bởi nhiệt độ khi nấu ăn, vì vậy nếu thực phẩm đạt đến 70 ° C toàn phần, đồ ăn sẽ an toàn để ăn với điều kiện đã được xử lý đúng cách và nấu chín. Tuy nhiên, FAO khuyến cáo không ăn động vật mắc bệnh hoặc động vật có thể đã chết vì bệnh.. Tuy nhiên, FAO khuyến cáo không ăn động vật mắc bệnh hoặc động vật chết vì bệnh.
•    Theo WHO, không có chứng cứ cho thấy có sự lây nhiễm từ người sang người.  
•    Việc giám sát chủ động và báo cáo minh bạch gia cầm ốm chết cho cơ quan thú y địa phương để lấy mẫu bệnh phẩm có tầm quan trọng đặc biệt trong việc nâng cao khả năng phát hiện vi rút cúm H7N9 tại Việt Nam.

Một số khuyến cáo:

•    Rửa tay
-    Rửa tay trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn; trước khi ăn; sau khi sử dụng nhà vệ sinh; sau khi xử lý động vật hoặc rác thải động vật; khi tay bị bẩn; trước và sau khi chăm sóc người trong gia đình bị ốm. Việc rửa tay cũng sẽ giúp ngăn ngừa việc lây lan dịch bệnh sang chính bản thận bạn (xuất phát từ việc bạn tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bệnh) và sang các bệnh nhân ở trong bệnh viện, sang các cán bộ y tế và những người khác.
-    Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy khi tay bị bẩn; nếu không nhìn rõ tay bị bẩn, vẫn cần phải rửa tay với xà phòng và nước hoặc sử dụng các loại thuốc rửa tay có chất cồn.  
•    Vệ sinh hô hấp
-    Khi ho hoặc hắt hơi, cần che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế, khăn giấy hoặc ống tay áo hoặc gập khuỷu tay; vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác được đậy kín ngay sau khi sử dụng; rửa tay sau khi tiếp xúc với các chất tiết ra qua đường hô hấp
•    Khi xử lý gia cầm sống hoặc chết hoặc khi đến thăm một chợ gia cầm sống, cần phải đeo khẩu trang và găng tay nhằm giảm thiểu tối đa khả năng phơi nhiễm với vi rút.
•    Thịt phải nấu chín kỹ trước khi ăn; tránh ăn thịt/trứng còn sống hoặc nấu chưa chín.
•    Luôn luôn bảo quản thịt và trứng sống tách biệt khỏi thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn chế biến sẵn nhằm tránh nhiễm khuẩn.
•    Không sử dụng chung thớt, dao để chế biến thịt sống với các loại thực phẩm chín. Không chế biến cả thực phẩm chín và sống mà không rửa tay giữa mỗi lần tiếp xúc thực phẩm, không đặt thịt đã được nấu chín trở lại chiếc đĩa hoặc bề mặt đã đặt thịt trước khi nấu.
•    Không ăn trứng sống hoặc trứng luộc sơ. Sau khi chế biến thịt sống, phải rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Rửa và khử trùng tất cả các bề mặt và dụng cụ có tiếp xúc với thịt sống.
•    Không nên ăn động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do mắc bệnh truyền nhiễm hoặc chết không rõ nguyên nhân. Không cho hoặc bán những động vật này cho người khác. Không nên đem những động vật này làm thức ăn cho động vật khác.
•    Khi phát hiện thấy gia cầm chết ở trang trại của mình, phải báo cáo ngay cho cơ quan thú y địa phương hoặc chính quyền địa phương.
•    Phải tăng cường an toàn sinh học ở các trang trại và hộ gia đình, nơi kinh doanh buôn bán và tại các chợ gia cầm nhằm giúp giảm nguy cơ xâm nhập của vi rút.
•    Gia cầm và động vật phải được nuôi nhốt xa con người và các khu dân cư; phải tuân thủ các thực hành tốt về vệ sinh trang trại và an toàn sinh học theo chuỗi kinh doanh gia cầm và các loại động vật khác.

Các nguồn tài liệu và ấn phẩm hữu ích

•    Báo cáo cập nhật vể tình hình H7N9: www.fao.org/h7n9
•    Hướng dẫn an toàn sinh học tại chợ gia cầm sống (VN): http://www.fao.org/3/a-i5029o.pdf
•    Các câu hỏi thường gặp về H7N9 : http://bit.ly/2mo9dGb
•    So sánh H5N1 và H7N9: http://bit.ly/2lfB33d
•    Các quảng cáo phát thanh phòng chống cúm H7N9: http://bit.ly/2k5siY7

Đầu mối liên lạc

Tổ chức Nông nghiệp và Lương Thực của Liên Hợp Quốc (FAO)
Bà Ki Jung Min, Cán bộ Truyền thông
Tel: (+84-4) 38500394 Mobile: (+84) 0125-2464-933
Email: [email protected]

Cục Thú y, Bộ NN và PTNT
Ông Nguyễn Tùng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông
Tel: (+84-4) 3869 3605
Email: [email protected]