FAO in Viet Nam

Sử dụng công nghệ sáng tạo cho kết quả nhanh hơn và ứng phó nhanh hơn

09/05/2017

Nhanh chóng xác định và nhận dạng vi rút ngay tại nguồn là bước đầu tiên trong việc ứng phó nhanh và thông minh khi có dịch bệnh bùng phát. Với số lượng các ca nhiễm cúm A (H7N9) ở người và động vật tại Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng, nhằm ngăn chặn vi rút này xâm nhập vào Việt Nam và giảm thiểu các tác động của chúng, điều hết sức quan trọng đối với Việt Nam là cần phải nhanh chóng giám sát và phát hiện sự xuất hiện của vi rút bất thường .

Công nghệ mới có tên gọi Pen-side PCR cho phép thực hiện điều này. Đây là phương pháp giám sát sử dụng thiết bị cầm tay, chạy bằng pin để phát hiện các vi rút ở gần các địa điểm lấy mẫu như chợ hoặc trạm thú y huyện. Hệ thống này cho phép các chuyên gia thú y phát hiện và nhận dạng vi rút trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau khi lấy mẫu, trong khi phương pháp real-time PCR truyền thống cần trung bình 2,5 ngày để cho ra kết quả vì cần thời gian vận chuyển.

Nhờ sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Phát triển Quốc tế  Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm khẩn cấp kiểm soát bệnh động vật lây truyền qua biên giới  (ECTAD) thuộc FAO Việt Nam đã phối hợp với Cục Thú y, Bộ NN và PTNT tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng Pen-side PCR  tại 5 tỉnh phía  Bắc Việt Nam (gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai và Hà Nội) để giới thiệu phương pháp mới này và phòng ngừa hiệu quả trước nguy cơ xâm nhập vi rút cúm A (H7N9) vào Việt Nam.

Chuyên gia phòng xét nghiệm thuộc FAO ECTAD Việt Nam đã truyền đạt kinh nghiệm thực tế về thu thập mẫu và thực hiện việc xét nghiệm tại các chợ kinh doanh gia cầm sống cho các học viên là cán bộ của Trạm kiểm dịch thú y cửa khẩu và Chi cục thú y tại các tỉnh, những người giữ vai trò chủ chốt trong các hoạt động ứng phó trong cả quá trình giám sát tại phía  Bắc Việt Nam. Việc tập huấn được bố trí thành ba phần chính: 1) trước tiên, chuyên gia phòng xét nghiệm trình diễn quy trình Pen-side PCR bắt đầu từ việc lấy mẫu, xét nghiệm, ghi chép và báo cáo kết quả xét nghiệm; 2) học viên lặp lại toàn bộ quy trình dưới sự giám sát của chuyên gia phòng xét nghiệm; 3) cuối cùng, học viên tự mình hoàn thành viêc xét nghiêm sử dụng phương pháp Pen-side PCR.

“Những người tham dự tập huấn rất tập trung học tập trong suốt khóa học. Kết thúc khóa tập huấn, các học viên đều tự tin thực hiện xét nghiệm sử dụng phương pháp Pen-side PCR. Phương pháp Pen-side PCR là phương pháp có chi phí vừa phải, dễ sử dụng và thiết bị di chuyển dễ dàng, do vậy phương pháp này cho phép thực hiện các xét nghiệm tại nhiều môi trường khác nhau trong khi vẫn bảo đảm độ  nhạy tương ứng với qPCR trong phòng xét nghiệm. Các tính năng này giúp việc sử dụng Pen-side PCR trở nên thiết thực   và chuyên nghiệp”, ông Ken Inui, chuyên gia phòng xét nghiệm của FAO ECTAD Việt Nam phát biểu.

“Chính nhờ tính thực tế của phương pháp này, Pen-side PCR có khả năng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động giám sát cúm gia cầm trong tương lai. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể áp dụng cho các dịch bệnh động vật khác như bệnh lở mồm long móng (FMD), bệnh tai xanh (PRRS). Thông qua sự hợp tác chặt chẽ với Cục thú y, chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm Pen-side PCR và giám sát tính hiệu quả và bền vững của phương pháp này. Chúng tôi mong rằng công nghệ mới nhưng đơn giản này có thể đem lại một sự thay đổi lớn trong các hoạt động giám sát trong tương lai tại Việt Nam” ông Pawin Padungtod, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp của FAO ECTAD Việt Nam cho biết.