FAO in Viet Nam

Chia sẻ kiến thức, tạo dựng sự hiệp trợ: Hội nghị Epi-Labnet lần thứ 15

29/05/2017

Cần Thơ, Việt Nam – Trung tâm Khẩn cấp Kiểm soát Dịch bệnh Xuyên biên giới (ECTAD) thuộc Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam phối hợp với Cục Thú y tổ chức Hội nghị Epi – Labnet lần thứ 15 từ 16-18/5/2017 tại Cần Thơ. Mạng lưới phòng thí nghiệm và dịch tễ (Epi-Labnet) là một nhóm làm việc được Cục Thú y thành lập từ năm 2006 nhằm hỗ trợ việc giám sát dịch bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh và các hoạt động phát triển năng lực. Được tổ chức với sự hỗ trợ tài chính từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), 54 chuyên gia từ Bộ NN và PTNT, đại diện của Cục Thú y và Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Cam-pu-chia, FAO, các viện nghiên cứu và các đối tác phát triển đã tham dự hội nghị.


Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự được nghe báo cáovà cập nhật thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh ở gia cầm, lợn và thủy sản và xác định các khoảng trống cũng như các giải pháp để nâng cao khả năng ngăn ngừa và ứng phó đối với các ổ dịch động vật. Giám sát bị động (người chăn nuôi báo cáo các hiện tượng dịch bệnh bất thường tới chi cục thú y) được xác định là không hiệu quả, và các đại biểu đề xuất cần tập huấn nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi cũng như cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng xác định các khó khăn, ưu điểm, nhược điểm và các giải pháp trong việc thực hiện kế hoạch giám sát cúm gia cầm và cúm lợn hiện nay. Để bảo đảm chất lượng của xét nghiệm cũng như kết quả xét nghiệm tại các phòng xét nghiệm, việc tập huấn và xét nghiệm hệ thống chất lượng bổ sung sẽ được thực hiện trong năm tới. Hội nghị đã thảo luận đề xuất cần ưu tiên và gửi hoặc xử lý các mẫu bệnh phẩm trực tiếp để phục vụ việc giải mã gien và chia sẻ kết quả ngay lập tức nhằm tránh chậm trễ trong việc cho ra kết quả và cũng như không đáp ứng nhu cầu chia sẻ dữ liệu. Việc tập huấn về giải trình tự gien và tin sinh học trong tương lai, cũng như việc cung cấp các mồi (Primers) và PCR reagent sẽ giúp ích nhiều hơn nữa cho Cục Thú y từ các dữ liệu giải mã gien.


Kết quả từ sự tham gia của Cục Thú y trong các hoạt động liên kết mạng lưới các phòng thí nghiệm của FAO đã được chia sẻ tại hội nghị, bao gồm dịch tễ học phân tử, giải trình tự gien và kiểm soát chất lượng phòng thí nghiệm. Giải mã gien vi rút và dịch tễ học phân tử là hai phương pháp quan trọng nhằm giám sát sự biến đổi của vi rút HPAI tại Đông Nam Á. Nếu phát hiện sớm sự lây truyềnvà biến đổi giencủa vi rút được phát hiện sớm, có thể áp dụng các biện pháp ngăn ngừa và phòng chống để việc phòng chống dịch bệnh được hiệu quả hơn. Xử lý hài hòa phương pháp và kết quả giám sát HPAI giữa các nước thông qua chương trình kiểm soát chất lượng độc lập có tầm quan trọng đặc biệt để cho phép so sách các kết quả giám sát. Đại biểu đến từ Cam-pu-chia đã thông tin vắn tắt cho các đại biểu tham dự hội nghị về tình hình dịch cúm gia cầm và năng lực phòng xét nghiệm tại Cam-pu-chia.

Hội nghị đã xác định các điểm mấu chốt nhằm nâng cao khả năng ứng phó khi có ổ dịch, giám sát chủ động và bị động, kiểm soát chất lượng phòng xét nghiệm, hiểu rõ về vi rút cúm gia cầm cũng như phối hợp điều tra với Cam-pu-chia. Công tác chuẩn bị cho Hội nghị Epi-Labnet sắp tới hiện đã được khởi động và hội nghị này dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu năm 2018.