FAO in Viet Nam

Lập kế hoạch hoạt động để giúp Việt Nam an toàn hơn trước các nguy cơ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

17/06/2017

Đà Nẵng -  Từ khi dịch cúm gia cầm A H5N1 bùng phát nghiêm trọng  vào năm 2004, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN và PTNT) để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan rộng nhằm bảo vệ an ninh lương thực và ngăn ngừa lây truyền sang người. Sau nhiều hành động đáp ứng dịch khẩn cấp, chương trình đã được mở rộng quy mô không chỉ phòng chống và đáp ứng dịch cúm gia cầm H5N1 mà còn phòng chống các nguy cơ dịch bệnh mới nổi khác thông qua Chương trình Phòng chống Nguy cơ Đại dịch Mới nổi giai đoạn 2 (EPT-2) với sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). 

Kỷ niệm 10 năm hợp tác, Trung tâm phòng chống và đáp ứng khẩn cấp các bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) thuộc tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hiệp Quốc (FAO ECTAD Việt Nam), USAID và Cục Thú y (CTY) và các đối tác dự án EPT2 bao gồm Cục Chăn nuôi (CCN), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TT KNGQ) và Cơ quan quản lý CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) đã họp tại Đà Nẵng để rà soát nguy cơ dịch bệnh có khả năng lây từ động vật sang người, tiến độ dự án cũng như các thách thức của các hoạt động đã được triển khai và xây dựng kế hoạch hoạt động giai đoạn 2018-2019.

Các phương pháp thảo luận sáng tạo, có sự tham gia đã được áp dụng tại cuộc họp để bảo đảm tất cả đề xuất do các đối tác được thảo luận. Căn cứ trên các kết quả và tiến độ thực hiện dự án, các đại biểu đã  đưa ra các góp ý theo bốn lĩnh vực chính của dự án: 1) Một Sức khỏe và truyền thông nguy cơ; 2) Giảm thiểu nguy cơ; 3) Giám sát; 4) Xây dựng và thử nghiệm công cụ giảm thiểu và đánh giá nguy cơ xuyên biên giới trong khuôn khổ dự án. Tiếp theo, các đại biểu đã xác định các khoảng trống/ khó khăn và các giải pháp khả thi để giảm thiểu tốt hơn các rủi ro, tạo cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch công tác. 

“Bằng việc nhìn lại sự phối hợp hoạt động trong thời gian qua, chúng ta có thể xác định chính xác các khoảng trống hoặc các thách thức và vận dụng trí tuệ tập thể hiệu quả để đưa ra một kế hoạch hành động bền vững hơn. Với những đóng góp quý báu từ tất cả các đại biểu, chúng ta hy vọng sẽ tiếp tục giảm thiểu các nguy cơ dịch bệnh có khả năng lây truyền từ động vật sang người một cách hiệu quả hơn trong giai đoạn 2018-2019 và bắt đầu suy nghĩ về các bước đi tiếp theo trong hợp tác giữa FAO và các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT sau năm 2019”, Ông Pawin Padungtod, Điều phối viên kỹ thuật cấp cao của FAO ECTAD Việt Nam phát biểu. 

Trên cơ sở các kết quả đạt được tại hội thảo, Cục Thú y sẽ tham khảo các đơn vị liên quan của Bộ NN và PTNT và hỗ trợ kỹ thuật từ FAO ECTAD Việt Nam để xây dựng một kế hoạch hoạt động hợp nhất nhằm bảo vệ sinh kế tại Việt Nam trước bất kỳ mối đe dọa nào từ dịch bệnh có thể lây lan từ động vật sang người.