FAO in Viet Nam

Việt Nam cam kết đến năm 2025 đạt được mục tiêu “Không còn nạn đói”

29/11/2018

Hà Nội, Việt Nam – Ngày 29/11/2018, tại Hội nghị toàn thể ISG năm 2018 với chủ đề “Phát triển Nông nghiệp - Dinh dưỡng Bền vững: Hành động của Việt Nam để không còn nạn đói đến 2025”, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã cùng công bố “Chương trình hành động quốc gia Không còn nạn đói ở Việt Nam đến năm 2025”.

Không còn nạn đói và Việt Nam

Sáng kiến “Không còn nạn đói” do Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đưa ra và liên quan đến Mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG 2) về xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong quá trình thực hiện Sáng kiến không còn nạn đói, Việt Nam được công nhận là một trong những nước đạt được thành công đáng kể về giảm số người thiếu đói và nghèo.Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn chưa đạt được mục tiêu, chẳng hạn như tỉ lệ suy dinh dưỡng cao ở trẻ em, theo tiêu chuẩn phân loại của WHO. Đặc biệt, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhiều tỉnh còn rất cao, chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc. Do đó, thông qua Chương trình hành động quốc gia này, Việt Nam phấn đấu tiến tới thu hẹp khoảng cách hiện nay, tăng cường an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng.

Chương trình hành động quốc gia Không còn nạn đói ở Việt Nam đến năm 2025

Hội nghị toàn thể ISG 2018, do Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường và TS. Albert T. Lieberg, Trưởng Đại diện FAO Việt Nam, đồng chủ tọa, đã vui mừng công bố “Chương trình hành động quốc gia Không còn nạn đói ở Việt Nam đến năm 2025” và kêu gọi các đối tác quốc tế cũng như các Bộ, ngành liên quan cùng chung tay hợp tác và hỗ trợ.

Khoảng 200 đại biểu của các Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, cộng đồng quốc tế, NGO, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và tổng công ty đã đến tham dự sự kiện và chúc mừng thời khắc công bố cam kết Không còn nạn đói của Việt Nam.

Chương trình hành động quốc gia Không còn nạn đói nhằm mục tiêu “đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời thực hiện SDG2 mà Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên hiệp quốc”.

Căn cứ vào mục tiêu tổng quát trên, Chương trình đã đưa ra 5 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như sau;

  1) các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm,

  2) giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới hai tuổi,

  3) phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững,

  4) phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập

  5) không còn tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm”.

*để biết thêm mục tiêu và hoạt động cụ thể, xin tìm hiểu cuốn sách giới thiệu về các hoạt động thuộc Sáng kiến Không còn nạn đói ở Việt Nam và Chương trình hành động quốc gia.

Nông nghiệp và dinh dưỡng thường có mối liên quan mật thiết và đỏi hỏi chuyên môn rộng. Do vậy, Chương trình hành động quốc gia có nhiều cấp tham gia, từ các bên tham gia chính sách cho đến các bên tham gia ở cấp cơ sở. Đồng thời, Chương trình sẽ được nhiều Bộ cùng thực hiện. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và PTNT đóng vai trò chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, và Bộ Công thương để thực hiện Chương trình hành động quốc gia Không còn nạn đói. Chính quyền cấp tỉnh, chẳng hạn như UBND tỉnh và các sở, ban ngành liên quan sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chương trình này.

 “Nông nghiệp là giải pháp thực hiện sáng kiến “không còn nạn đói” và “giảm nghèo” hiệu quả nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định. “Ca dao Việt Nam có câu: Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Do vậy, thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia của Chương trình hành động Không còn nạn đói, Bộ Nông nghiệp và PTNT, tôi kêu gọi tất cả các Bộ, ngành; các tổ chức quốc tế; doanh nghiệp trong và ngoài nước; các chuyên gia và tình nguyện viên, tất cả cùng đồng lòng, chung tay vì “Không còn nạn đói ở Việt Nam đến 2025”.

 “Với tư cách là một cơ quan chuyên môn của LHQ và với sứ mệnh giải quyết vấn đề đói nghèo, FAO đã và đang đóng vai trò chủ trì thực hiện Chương trình Lương thực và Nông nghiệp Bền vững toàn cầu nhằm góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp vào mục tiêu Không còn nạn đói.” TS. Albert T. Lieberg, Trưởng Đại diện của FAO Việt Nam cho biết. “Để đảm bảo an ninh lương thực, cần có cách tiếp cận tổng hợp và tổng thể. Chúng tôi tin rằng với sự phối hợp giữa các ngành, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ được hỗ trợ tích cực để hiểu rõ tầm quan trọng của mục tiêu Không còn nạn đói ở mọi phương diện và thúc đẩy Chương trình hành động quốc gia, nhằm xóa bỏ tình trạng thiếu đói cho đời chúng ta và có thể cả mãi mãi về sau.”

 

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ:

Bà Đỗ Thị Dung

Ban thư ký ISG Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ NN&PTNT

Tel: (84-4) 37711736

Email: [email protected]

 

Bà Ki Jung Min

Điều phối viên

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc

Tel: (+84-4) 3850 0394

Email: [email protected]