FAO in Viet Nam

Hội nghị FAO khu vực Châu Á Thái Bình Dương kêu gọi tăng cường hành động để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19

04/09/2020

Bangkok/Thimphu - Cuộc họp Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc hỗ trợ sinh kế cho nhóm dân cư dễ tổn thương thông qua các hoạt động tiếp tục tăng cường phối hợp.

Vào ngày thứ ba của Hội nghị FAO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Tổng Giám đốc FAO, ông QU Dongyu, Bộ trưởng các nước, Đại diện của các tổ chức dân sự và khu vực tư nhân đã bày tỏ quan ngại về tác động của dịch COVID-19 đối với an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người, và đề nghị cần tiếp tục tăng cường hành động để vượt qua thách thức hiện nay đối với ngành lương thực và nông nghiệp của khu vực.

Đại biểu tham dự cuộc họp Bộ trưởng trực tuyến này (do Butan đăng cai) nhằm mục đích xác định ưu tiên của khu vực trong những năm tới cũng như đưa ra chiến lược xóa đói,  dinh dưỡng, và thúc đẩy chuyển đổi hệ thống nông sản thực phẩm, góp phần xây dựng hệ thống nông sản thực phẩm bền vững hơn, hiệu quả hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn. Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp thay mặt Thủ tướng Butan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Butan, ông Tandi Dorji, cho rằng: "chúng ta cần phải thừa nhận ngành lương thực và nông nghiệp, bao gồm cả thủy sản, lâm nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, và những gia đình sống dựa vào ngành này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19 lây lan”.

Tổng Giám đốc FAO nhấn mạnh rằng phải coi nông dân sản xuất nhỏ và dễ tổn thương là trung tâm của các hoạt động ứng phó với dịch COVID-19. "Nông dân sản xuất nhỏ và gia đình họ, người lao động trong tất cả các ngành liên quan đến thực phẩm, và những người sống trong những nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa cũng như du lịch là những đối tượng rất dễ bị tổn thương. Đây là những người đang cần được chúng ta quan tâm ngay”, ông QU phát biểu. 

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tập trung tới hơn một nửa số dân bị suy dinh dưỡng của thế giới, và do COVID-19 nên số người đói ở Nam Á dự kiến sẽ tăng tới gần 1/3 dân số, lên tới 330 triệu trong vòng 10 năm tới.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã chia sẻ về những thách thức và các ưu tiên của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay trong bối cảnh  tác động của biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp ”chúng tôi mong muốn FAO, nhà tài trợ và các đối tác hợp tác, giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế chính sách cùng với các giải pháp công nghệ sáng tạo hỗ trợ thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, ông nói thêm.

Một số diễn giả cấp cao khác cũng đề cập tầm quan trọng của việc hành động cùng lúc trên cả hai mặt trận: sửa đổi chính sách công và thực hiện các biện pháp thực tế tại hiện trường. "Loại virus corona mới này đã ảnh hưởng nhiều tới chính sách ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu, và điều quan trọng là khi đối phó dịch COVID-19 thì cả thế giới và địa phương đều có điều kiện như nhau”,

Chủ tịch độc lập của Hội đồng FAO, ông Khalid Mehboob, cho biết. Theo báo cáo của ông Thanawat Tiensin, Chủ tịch Ủy ban An ninh lương thực thế giới (CFS), một diễn đàn quốc tế và liên chính phủ gồm đại diện của khu vực tư nhân và xã hội dân sự, tại Hội nghị FAO và Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC): "Dịch COVID-19 khiến cho chuỗi thực phẩm toàn cầu vốn đã mong manh lại càng thêm tổn thương và suy yếu. Chúng ta phải có hành động khẩn cấp để cải thiện chuỗi thực phẩm”.

Phát biểu thay mặt các tổ chức xã hội dân sự, Tổng thư ký của Quỹ Tarayana tại Butan, bà Chime P. Wangdi, khẳng định nông dân trong khu vực chính là các “anh hùng thực phẩm” và “chiến sỹ thực phẩm”. "Tuy vậy, trong trận đại dịch COVID-19 này vẫn sáng lên lớp vỏ bạc. Cuộc khủng hoảng của ngành y tế khiến cho những công dân bình thường trong xã hội một lần nữa nhận ra giá trị của nông dân sản xuất ra thực phẩm địa phương có lợi cho sức khỏe, giá trị của chính phủ, giá trị của việc tự chủ sản xuất nông nghiệp trong nước; giá trị của chuỗi giá trị và thực phẩm ngắn hơn và toàn diện hơn”, bà bà Chime P. Wangdi nói thêm.

Phối hợp không ngừng và mạnh mẽ hơn Tổng Giám đốc FAO và nhiều đại biểu tham dự cuộc họp cũng đề nghị cần tiếp tục phối hợp mạnh mẽ hơn, bao gồm cả việc thúc đẩy công nghệ và đổi mới trong nông nghiệp, nhằm xóa đói và khắc phục hậu quả của dịch COVID-19. Về vấn đề này, người đứng đầu của FAO cũng giới thiệu Chương trình Ứng phó và Khắc phục hậu quả của dịch COVID-19 – nhằm giảm thiểu tác động trước mắt trong khi vẫn khắc phục hậu quả của dịch COVID-19 – cũng như các sáng kiến quan trọng khác tập trung vào đổi mới và có thể đẩy nhanh nỗ lực xóa đói toàn cầu.

Chương trình và sáng kiến trên gồm xây dựng Văn phòng FAO về đổi mới và xây dựng diễn đàn kỹ thuật số quốc tế về lương thực và nông nghiệp, cũng như Sáng kiến Tay trong Tay, được các “công cụ hiện đại” hỗ trợ, chẳng như Diễn đàn Không gian địa lý thuộc Sáng kiến Tay trong Tay  và siêu dữ liệu FAO Data Lab để đổi mới cách thống kê.

Ông QU cho biết “Mục đích của tất cả các sáng kiến này không chỉ nhằm thu thập kiến thức và công cụ mới nhất cho các nhà ra quyết định mà còn cho nông dân, ngư dân, người chăn nuôi và người trồng rừng. Đây là khu vực hiện có phần lớn nông dân sản xuất nhỏ đang sản xuất ra lương thực và nông sản cho chúng ta”. "Chúng ta cần tận dụng kỷ nguyên kỹ thuật số này thông qua các mối quan hệ đối tác đổi mới với chính phủ, nông dân, khu vực tư nhân, viện nghiên cứu, NGO và nhiều bên khác”, ông QU đề nghị.

Một số đại biểu tham dự cuộc họp, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Butan, cũng bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ các sáng kiến quan trọng hiện nay của FAO như Sáng kiến Tay trong Tay. Một số đại biểu khẳng định tầm quan trọng của đối mới và công nghệ trong việc thúc đẩy sản xuất và an ninh lương thực. Hội nghị FAO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục đến ngày mai, ngày 4/9. Tất cả các phiên họp của hội nghị đều được phát trực tuyến.

Follow us on Twitter @FAOAsiaPacific  @FAOVietNam  #APRC35