FAO in Viet Nam

Các Viện/Trường đóng vai trò đối tác chính trong khuyến khích các hệ thống thực phẩm chú trọng tới dinh dưỡng

27/04/2021

Hà Nội, Việt Nam. Xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức là điều bắt buộc để phá vỡ chu kỳ đói nghèo từ thế hệ này sang thế hệ khác và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030.

FAO đã và đang đầu tư phát triển năng lực trong nước ở Việt Nam trên lĩnh vực, với mục tiêu cao nhất là khuyến khích những chế độ ăn uống lành mạnh thông qua các hệ thống thực phẩm bền vững.

Thông qua hợp tác với FAO, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành thí điểm một quy trình phát triển chương trình đào tạo nhằm lồng ghép nội dung dinh dưỡng vào các giáo trình giảng dạy và xây dựng kỹ năng cho sinh viên về các vệ thống thực phẩm và chuỗi giá trị chú trọng tới dinh dưỡng. Hiểu được tầm quan trọng của các hệ thống thực phẩm đối với chế độ ăn uống và cung cấp cho sinh viên những kỹ năng và năng lực cụ thể là điều rất cần thiết để chuyển đổi các hệ thống thực phẩm trong nước.

Ngày 27 và 28/4/2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức một Hội thảo với mục đích trình bày những kết quả của quá trình phát triển chương trình đào tạo và lấy ý kiến góp ý của các bên liên quan, từ đó làm nền tảng cho các cải tiến tiếp theo. Các đại biểu tham gia Hội thảo bao gồm FAO, nhóm dự án nòng cốt của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các sinh viên đã tham gia trong quá trình thí điểm, cũng như đại diện của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thuộc Bộ Y tế, cùng với các trường đại học đối tác, ví dụ như Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Cần Thơ. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về những cơ hội thể chế hóa các khóa học đã được xây dựng và mở rộng sang các viện/trường khác, đồng thời cũng rút ra những bài học và xác định những cơ hội để khuyến khích áp dụng các cách tiếp cận dựa trên những hệ thống thực phẩm chú trọng tới dinh dưỡng.

Hội thảo và quy trình xây dựng chương trình đào tạo đều nằm trong khuôn khổ dự án của FAO "Nâng cao năng lực cho các hệ thống thực phẩm chú trọng tới dinh dưỡng thông qua cách tiếp cận có nhiều bên tham gia" do Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF) Nhật Bản tài trợ và được thực hiện tại các nước Việt Nam, Ghana và Kenya.