FAO in Viet Nam

Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức sản xuất rừng và trang trại

22/09/2022

Hà Nội, Việt Nam – Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức sản xuất rừng và trang trại sẽ được tổ chức trong tuần này, với trọng tâm là thảo luận giải pháp cho các hộ kinh doanh rừng và trang trại quy mô nhỏ có thể phát triển hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đó là thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và mạng lưới của mình.

Sự kiện này sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 22 đến 26 tháng 9 năm 2022 theo hình thức cả trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo có chủ đề: “Hãy bảo vệ tương lai: Đầu tư cho việc đa dạng hóa do địa phương làm chủ nhằm tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực”do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (VNFU) tổ chức, cùng với Chương trình hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF) – một chương trình hợp tác giữa Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và AgriCord.

Đại diện của các tổ chức sản xuất rừng và trang trại ở cấp cơ sở từ khắp Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Âu sẽ gặp gỡ các đại biểu từ các tổ chức quốc tế, các chính phủ và tổ chức phi chính phủ lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 làm trì hoãn sự kiện này cách đây 2 năm.

Ông Ewald Rametsteiner, Phó Trưởng Ban Lâm nghiệp của FAO cho biết: “Với sự hỗ trợ phù hợp, các nông hộ nhỏ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cảnh quan rừng và nông trại trước tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực trên toàn thế giới.”

Những tác nhân thay đổi chính

Ước tính có khoảng 1,5 tỷ người sản xuất rừng và trang trại quy mô nhỏ, và họ sản xuất khoảng một phần ba lượng lương thực, thực phẩm trên toàn thế giới. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều nông hộ nhỏ đang sản xuất ra các sản phẩm khác nhau trên cùng một khu vực cảnh quan. Điều này giúp giảm tính dễ bị tổn thương của họ trước tác động của các cú sốc liên quan đến khí hậu và thị trường. Nếu được quản lý đúng cách, việc này cũng có thể góp phần cải thiện chất lượng đất và thúc đẩy dinh dưỡng tốt hơn.

Một báo cáo chính sách tóm lược của FAO được công bố vào năm ngoái với tiêu đề “Người sản xuất rừng và trang trại – những người lính gác chống biến đổi khí hậu” đã lập luận rằng những nông hộ nhỏ là những tác nhân thay đổi chính trong việc triển khai các giải pháp chống chịu khí hậu, và cho rằng các hỗ trợ tài chính lớn hơn cho những nông hộ nhỏ có thể tạo ra tác động trên toàn cầu.

Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh Thập kỷ Liên hợp quốc về Nông nghiệp hộ gia đình 2019-2028 (UNDFF) đã nhấn mạnh vai trò của các nông hộ trong việc định hình tương lai của lương thực và thực phẩm, cũng như thúc đẩy các hệ thống lương thực-thực phẩm bền vững hơn trong bối cảnh khí hậu liên tục thay đổi.

Các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ thảo luận và đưa ra các khuyến nghị quan trọng đối với những hành động nhằm tăng cường khả năng chống chịu khí hậu, và các khuyến nghị này sẽ được chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cầu về UNDFF sẽ diễn ra trong tháng này.

Thăm quan thực địa tại các tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn

Các đại biểu cũng sẽ thảo luận về những thách thức và bài học rút ra từ việc thành lập các mô hình kinh doanh có khả năng chống chịu với khí hậu, đồng thời nghe những ví dụ về các mô hình tài chính có thể tiếp cận, bao gồm các quỹ khí hậu quốc tế và các nguồn tài chính vi mô.

Ngoài ra, trong thời gian diễn ra Hội thảo cũng sẽ diễn ra một triển lãm chia sẻ các sáng kiến đổi mới, nơi các nông hộ rừng và trang trại quy mô nhỏ giới thiệu các sản phẩm rừng và trang trại, lâm sản ngoài gỗ từ các trang trại của mình, được coi là những sản phẩm có thể góp phần tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và an ninh lương thực.

Các đại biểu tham dự cũng sẽ tham gia một chuyến thăm quan thực địa 2 ngày (24-25 tháng 9) tại 5 tổ hợp tác, hợp tác xã ở các tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn nhằm khuyến khích việc nhân rộng các thực hành tốt trong mạng lưới các tổ chức ở cấp cơ sở trên toàn cầu.

Trong số các địa điểm đến thăm quan có Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam tại tỉnh Yên Bái, một đơn vị đã liên tục phát triển mạnh mẽ mà không bị ảnh hưởng từ những vấn đề do nhiệt độ trung bình tăng cao, lượng mưa giảm, cũng như sâu bệnh.

Hợp tác xã này đã tập trung đa dạng hóa trong chuỗi giá trị sản phẩm quế cốt lõi của mình, đồng thời phát triển các hoạt động kinh doanh khác nhằm tăng thu nhập trung bình trong vùng, bao gồm sản xuất cây dược liệu, mật ong, đồ thủ công mỹ nghệ, du lịch và tơ tằm.

Thông tin liên quan

Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệp giữa các tổ chức sản xuất rừng và trang trại
Chương trình hỗ trợ Rừng và trang trại