FAO in Viet Nam

Về dự án an ninh sinh học trong ấp nở gia cầm của FAO Việt Nam

09/10/2015

Với tình hình kinh tế tăng trưởng nhanh chóng khiến dân số đô thị tăng nhanh ở Việt Nam, nhu cầu về thực phẩm đã tăng vượt bậc trong những năm gần đây. Gia cầm đã trở thành nguồn cung cấp đạm động vật quan trọng, hàng tháng Thủ đô Hà Nội của Việt Nam tiêu thụ xấp xỉ 4.650.000kg thịt gia cầm (nguồn: Sở Thương mại Hà Nội, 2014). Mặc dù các cơ sở nuôi gia cầm công nghiệp đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, nhiều hộ gia đình cá thể vẫn duy trì các trại nuôi gia cầm bố mẹ hay trại ấp nở quy mô nhỏ và vừa để cung ứng cho nhu cầu rộng lớn của các đô thị, từ đó kiếm thêm thu nhập, và vì thế đóng vai trò quan trọng trong dây chuyền sản xuất gia cầm tại Việt Nam.

Kể từ khi bùng phát các ổ dịch H5N1 HPAI (Cúm Gia cầm Độc lực Cao) vào năm 2003, thực hành an ninh sinh học yếu kém tại các trại gia cầm đã được xác định là một trong những yếu tố nguy hiểm làm tăng nguy cơ lây truyền và phát tán bệnh, đe dọa an toàn thực phẩm dọc suốt chuỗi giá trị gia cầm ở Việt Nam.

Vì thế, Chương trình của Trung tâm Cứu trợ Khẩn cấp Bệnh động vật Xuyên biên giới (ECTAD) thuộc FAO Việt Nam đã xây dựng hướng dẫn cơ bản và tăng cường cho nông dân sản xuất giống và ấp nở gia cầm quy mô nhỏ và vừa. Các hướng dẫn này đã được áp dụng tại 6 trang trại nuôi gia cầm bố mẹ và 6 trại ấp nở vịt ở 2 tỉnh.

Nông dân ấp nở gia cầm và An sinh Xã hội

Thực hiện các biện pháp an ninh sinh học như khuyến cáo tại các trại ấp nở, nông dân đã tận mắt chứng kiến những cải thiện lớn về nhiều phương diện. Tỷ lệ đẻ trứng và ấp nở thành công tăng lên, lập tức nông dân có thể kiếm được nhiều thu nhập hơn so với trước đây. Vì họ dễ bị ảnh hưởng hơn các cơ sở sản xuất công nghiệp, nên nhờ áp dụng những hướng dẫn này, nông dân quy mô nhỏ và vừa sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn trước dịch bệnh bùng phát hay thiên tai.