FAO in Viet Nam

Chống dịch cúm gia cầm ở Việt Nam – cuốn sách về 8 năm hợp tác.

18/05/2016

Năm 2004, cả người dân và ngành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam đều bị ảnh hưởng nặng nề do dịch cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) H5N1 bùng phát . Hậu quả là hơn 60 người tử vong và tổn thất kinh tế lên đến 45 triệu USD do số gia cầm bị chết vào thời gian cao điểm của dịch. Để ứng phó với tình trạng khẩn cấp này, Trung tâm Phòng chống Khẩn cấp Dịch bệnh Động vật xuyên biên giới (ECTAD) của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã phối hợp với Văn phòng FAO tại Việt Nam thực hiện một chương trình chung vào năm 2006. Với hỗ trợ tài chính của các tổ chức khác nhau như Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quỹ Tín thác Nhật Bản, Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Thế giới và các quỹ hợp tác chung Liên Hiệp Quốc , FAO ECTAD Việt Nam đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phát hiện, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh gây chết người này.

Sau 8 năm hợp tác kỹ thuật, những kết quả đạt được đã được công nhận và đánh giá cao bao gồm năng lực hệ thống phòng thí nghiệm, giám sát và chẩn đoán dịch bệnh, xây dựng chính sách, an ninh sinh học và nhận thức của người dân đã được cải thiện rõ rệt. FAO ECTAD Việt Nam cùng với Cục Thú Y, Bộ NN&PTNT vừa đồng xuất bản “Tài liệu kế thừa: 8 năm hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp tăng cường ứng phó khẩn cấp với  cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam” để chào mừng sự hợp tác thành công giữa hai bên.

Tài liệu kế thừa bao gồm 7 chương nói về các hoạt động FAO ECTAD đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam:

  • Điều phối và Quản lý
  • Công tác Giám sát
  • Năng lực hệ thống phòng thí nghiệm và Chẩn đoán
  • Công tác tiêm phòng
  • An ninh sinh học
  • Kinh tế xã hội và Kiểm soát cúm gia cầm độc lực cao ở Việt Nam
  • Truyền thông và vận động chính sách

Các câu chuyện thành công và bài học rút ra từ dự án 8 năm đã được chia sẻ với các chuyên gia y tế và thú y cùng với các đối tác phát triển phản ánh những nỗ lực cấp quốc gia và quốc tế trong việc phòng và chống dịch cúm gia cầm tại Việt Nam.

Sau khi vượt qua được cuộc khủng hoảng mang tính chất khẩn cấp của dịch cúm gia cầm độc lực cao H5N1, đòi hỏi cần thiết giờ đây là phải có một phương pháp bền vững để phòng, chống không chỉ dịch cúm gia cầm mà cả các dịch bệnh xuyên biên giới ở gia súc gia cầm và các bệnh lây từ động vật sang người. Trên cơ sở  hợp tác lâu dài và các bài học kinh nghiệm, FAO ECTAD đã tiếp tục hỗ trợ mở rộng hoạt động tại các lĩnh vực thú y , chăn nuôi và an toàn thực phẩm. Đây là những lĩnh vực ưu tiên của chính phủ Việt Nam. Gần đây nhất, FAO đã hỗ trợ sáng kiến Một sức khỏe (One Health) nhằm giải quyết các vấn đề về y tế, thú y và sức khỏe sinh thái với phương thức tiếp cận liên ngành và liên lĩnh vực. Bằng cách này, ECTAD Việt Nam đã góp phần tăng cường khả năng phục hồi sinh kế của người dân, chống chọi lại các nguy cơ và khủng hoảng cho cuộc sống mưu sinh, đảm bảo tính bền vững của các hoạt động can thiệp thú y và chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng.

Link đến Tài liệu kế thừa (Tiếng Anh / Tiếng Việt)

Nếu có yêu cầu bản cứng của Tài liệu kế thừa, đề nghị liên hệ: [email protected]