FAO in Viet Nam

FAO ECTAD được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Cục Thú y

09/07/2016

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Cục Thú y (DAH), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD), Trung tâm khẩn cấp phòng chống dịch bệnh động vật xuyên biên giới thuộc FAO (ECTAD) đã được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” nhằm công nhận những đóng góp của ECTAD trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật xuyên biên giới (TADs) tại Việt Nam kể từ năm 2006 trở lại đây. Wantanee Kalprividh, Giám đốc Văn phòng Khu vực FAO ECTAD phụ trách châu Á-Thái Bình Dương thay mặt cho Chương trình ECTAD lên nhận Kỷ niệm chương.

 “Chúng tôi hết sức vui mừng được hợp tác hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Thú y, cùng với những cán bộ có tinh thần làm việc năng động và tính chuyên nghiệp cao. Trong khu vực, Cục Thú y được đánh giá đã triển khai rất tốt công tác, thể hiện rõ qua sự cải thiện đáng kể trong hệ thống thú y nhằm phát hiện và ứng phó với nhiều loại dịch bệnh như cúm gia cầm, lở mồm long móng (FMD), hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS), bệnh dại và nhiều bệnh khác. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục phối hợp và chứng kiến nhiều thành công hơn nữa của Cục Thú y trong khu vực. Và nhân dịp này, chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Thú y, Bộ  Nông nghiệp và phát triển nông thôn,” Giám đốc khu vực Wantanee Kalprividh phát biểu.   Sự hợp tác chặt chẽ giữa FAO ECTAD Viet Nam và DAH

Trong lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của DAH, hợp tác giữa DAH và FAO ECTAD bắt đầu vào năm 2006 khi ECTAD Việt Nam được thành lập với mục đích hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc chống lại sự lây lan và cố thủ của vi rút cúm gia cầm độc lực cao (HPAI H5N1). Thời điểm đó, dịch bệnh này bắt đầu gây ra các tác động lớn về mặt kinh tế đối với ngành chăn nuôi gia cầm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và an ninh lương thực cũng như gây ra mối đe dọa về một đại dịch toàn cầu. Từ năm 2006 đến 2011, DAH là đối tác chính của FAO ECTAD Việt Nam trong chương trình phòng chống HPAI H5N1. ECTAD Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều hoạt động bao gồm điều phối, xây dựng năng lực, giám sát, tăng cường năng lực phòng xét nghiệm cũng như năng lực chẩn đoán dịch bệnh, triển khai các nghiên cứu chuỗi giá trị và kinh tế xã hội, tăng cường sự ủng hộ đồng thời cải thiện công tác truyền thông về nguy cơ.

Khi tính khẩn cấp của tình hình dịch bệnh giảm dần, chương trình của ECTAD Việt Nam chuyển sang xử lý các lĩnh vực rộng hơn về thú y, chăn nuôi và an toàn thực phẩm theo các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Với DAH, chương trình phòng chống dịch bệnh được mở rộng và bao gồm các dịch bệnh ưu tiên khác như bệnh dại và các dịch bệnh động vật gây tác động lớn như bệnh lở mồm long móng (FMD), hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS), dịch tả heo (CSF), và các vi rút cúm A khác như H7N9 và H5N6. Gần đây, FAO ECTAD Việt Nam đang tập trung vào việc phát triển năng lực DAH để có thể phát hiện nhanh các vi rút cúm mới xuất hiện, mô tả đặc tính của các vi rút cúm đang lưu hành tại Việt Nam và phối hợp giám sát các mầm đại dịch tiềm năng. Ngoài việc giám sát, FAO ECTAD Việt Nam cũng phối hợp với DAH để tăng cường năng lực dịch tễ thông qua việc triển khai các chương trình tập huấn AVET (tập huấn dịch tễ học thú y ứng dụng) và AVET nâng cao cho các nhà dịch tễ học trong nước, thành lập Mạng lưới Giám sát Cúm theo ngành dọc (LISN) và xây dựng một cơ chế báo cáo dịch bệnh hiệu quả.

FAO cũng đang hỗ trợ DAH phối hợp với các đối tác thuộc ngành y tế như Cục Y tế Dự phòng  (GDPM) thuộc Bộ Y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Quốc gia (NIHE) trong việc thực hiện sáng kiến Một Sức khỏe với mục tiêu đẩy mạnh phối hợp đa ngành trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người, động vật và sinh thái. Với cách tiếp cận này, ECTAD Việt Nam đang đóng góp cho việc nâng cao sự tự chủ của người dân trước các mối đe dọa và khủng hoảng, bảo đảm tính bền vững trong các biện pháp can thiệp về thú y và chăn nuôi và giúp xóa đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng.

Liên hệ:

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO)

Ms. Ki Jung Min (Điều phối viên)

Email: [email protected]