FAO in Viet Nam

Trò chuyện với các chuyên gia của FAO về sứ mệnh Một Sức khỏe tại Việt Nam

18/07/2016

Sau các nỗ lực ứng phó với các ổ dịch bệnh khẩn cấp có khả năng lây lan từ động vật sang người, cả thế giới đã nhận thức rõ tầm quan trọng của Phương pháp Một Sức khỏe trong việc phòng ngừa một cách hiệu quả các loại dịch bệnh này. Để hiểu rõ hơn về Phương pháp này trong bối cảnh Việt Nam, chúng tôi đã trò chuyện với các cán bộ kỹ thuật chủ chốt của chương trình Một Sức khỏe thuộc Trung tâmkhẩn cấp phòng chống dịch bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) gồm Pawin Padungtod – Điều phối viên Kỹ thuật cao cấp, Nguyễn Thúy Hằng – Điều phối viên truyền thông và Hỗ trợ Một Sức khỏe và Nguyễn Phương Oanh–Cán bộ thực hiện, về chuyến công tác nhằm đánh giá việc thực hiện Một Sức khỏe tại hai tỉnh Hà Giang và Quảng Nam vừa qua.

(Các câu trả lời trong bài phỏng vấn được đánh dấu là ‘P’ cho phần trả lời của Pawin Padungtod, ‘H’ cho Nguyễn Thúy Hằng và ‘O’ cho Nguyễn Phương Oanh. Các câu hỏi được đánh dấu là Q.)

Q. Trước khi chúng ta nói chuyện về chuyến công tác, xin các anh chị cho biết sơ qua về Phương pháp Một Sức khỏe?

P. Đây là một phương pháp tích hợp, đòi hỏi sự hợp tác và truyền thông đa ngành và đa lĩnh vực về y tế, thú y và sinh thái nhằm giải quyết các vấn đề y tế mà hệ sinh thái của chúng ta đang phải đương đầu. Phương pháp Một Sức khỏe đã được áp dụng trong việc xử lý các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh trong mối quan hệ giữa con người-động vật, đặc biệt là là những bệnh dịch có khả năng gây đại dịch và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh kế của cộng đồng.

H. Qua chứng kiến các ổ dịch phát sinh từ nhiều loại động vật khác nhau, đặc biệt như H5N1 và bệnh dại, chúng tôi nhận thấy rằng Một Sức khỏe đưa ra các giải pháp để phòng chống hiệu quả các dịch bệnh xuyên biên giới và có khả năng lây lan từ động vật sang người từ cấp trang trại tại Việt Nam.

 

Q. Vậy các anh chị xác định vai trò của FAO như thế nào trong việc thực hiện sáng kiến Một Sức khỏe tại Việt Nam?

H. FAO ECTAD Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD) trong việc kiểm soát các ổ dịch H5N1 ở gia cầm. Hợp tác Một Sức khỏe, giám sát, chẩn đoán xét nghiệm, an toàn sinh học, phân tích chuỗi giá trị và vận động ủng hộ là những lĩnh vực chính mà chúng tôi đang triển khai hỗ trợ.

P. Nhằmthực hiện phương pháp Một Sức khỏe, chúng tôi đã hỗ trợ thúc đẩy trao đổi giữa các cơ quan chính phủ thuộc hai ngành y tế và thú y nhằm xác định các cơ hội hợp tác. Trong hệ thống LHQ, chúng tôi đã và đang hỗ trợ các cuộc đối thoại chính sách, phối hợp và tham vấn đa bên giữa các đối tác trong và ngoài nước với WHO và UNDP. Phương pháp Một Sức khỏe cũng có thể mở rộng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, và cùng với Chính phủ Việt Nam, FAO đã tổ chức các hội thảo xuyên biên giới giữa hai ngành y tế và thú y với các nước láng giềng như Trung Quốc hay Cam-pu-chia nhằm tăng cường trao đổi thông tin và triển khai ứng phó nhanh hơn khi bùng phát ổ dịch.

 

Q. Vậy các hoạt động trong khuôn khổ Một Sức khỏe do FAO hỗ trợ được thực hiện tại địa phương nào tại Việt Nam?  

O. Năm ngoái, Đoàn Một Sức khỏe chúng tôi đã tới hai tỉnh Thanh Hóa và Bình Định. Năm nay, chúng tôi đến Quảng Nam và Hà Giang cùng với các cán bộ thuộc 6 cơ quan gồm: Cục Thú y, Cơ quan Thú y vùng 2 (RAHO 2), Cục Y tế Dự phòng (GDPM), Viện Vệ sinh Dịch tễ Quốc gia (NIHE), FAO và WHO. Giống như là một đội quân xúc tiến Một Sức khỏe vậy. Đây là một đoàn liên ngành với sự tham gia của các cơ quan y tế và thú y chủ chốt của cả Chính phủ Việt Nam và các cơ quan LHQ.

 

Q. Vậy các anh chị đã triển khai những công việc gì với tư cách là những người thúc đẩy Một Sức khỏe?

P. Chúng tôi tới hai tỉnh nói trên để kiểm tra việc áp dụng Phương pháp Một Sức khỏe. Ở Việt Nam, từ năm 2013, Bộ Y tế và  Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư liên bộ số 16. Thông tư này quy định cơ sở pháp lý cho việc phối hợp, chia sẻ thông tin và hợp tác giữa hai ngành y tế và thú y trong các hoạt động giám sát, đánh giá rủi ro và ứng phó dịch bệnh. Do vậy, về cơ bản chuyến công tác của chúng tôi là nhằm đánh giá hai việc triển khai thực hiện Thông tư 16 của ngành y tế và thú y địa phương.  

O. Tại mỗi tỉnh, chúng tôiđã tiến hành phỏng vấn tổng cộng 22 lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật thuộc hai ngành y tế và thú y từ cấp xã, huyện và tỉnh để bảo đảm rằng chúng tôi đang đánh giá một bức tranh toàn cảnh về việc thực hiện Một Sức khỏe ở tất cả các cấp trong chính phủ.  

 

Q. Chính xác là các anh chị làm như thế nào? Anh chị có sử dụng công cụ gì để thu thập thông tin từ người dân ở các xã, huyện và tỉnh không?

H. Chúng tôi có sử dụng một bảng câu hỏi đã được thiết kế trước để phỏng vấn sau đó tiến hành trao đổi và thu thập các bằng chứng liên quan. Về phỏng vấn, chúng tôi tập trung vào các vấn đề giám sát, điều tra và ứng phó với ổ dịch, các hoạt động truyền thông, các hoạt động đào tạo, tập huấn và quá trình thực hiện.

O. Tại các cuộc trao đổi trực tiếp, chúng tôi đề cập cả những khó khăn, thuận lợi và nêu ra các đề xuất, khuyến nghị trong việc thực hiện Thông tư 16.

 

Q. Trong quá trình đánh giá, ấn tượng của các anh chị về việc thực hiện Một Sức khỏe như
thế nào?  

O. Chúng tôi đã thấy được những nỗ lực thực chất của cả hai ngành y tế và thú y trong việc tăng cường phối hợp trong công tác nhưng cần có thêm sự tham gia của lãnh đạo địa phương ở các cấp xã, huyện, tỉnh để hỗ trợ kế hoạch thực hiện Thông tư 16. Việc xây dựng năng lực để hiểu rõ hơn và áp dụng chính xác Thông tư 16 là hết sức quan trọng trong công tác triển khai Một Sức khỏe tại địa bàn.

H. Nếu chính quyền địa phương có thể bố trí kinh phí hỗ trợ kế hoạch, đầu tư vào nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và tập huấn chuyên môn ở cấp xã sẽ góp phần nhiều trong cải thiện việc thực hiện Thông tư 16. Đồng thời, cần luôn quan tâm đến việc xây dựng năng lực ứng phó và điều tra khi xảy ra ổ dịch cho cán bộ y tế và thú y ở tất cả các cấp.

 

Q. Có hoạt động nào được triển khai tiếp theo để thúc đẩy việc thực hiện Thông tư 16 không?

P. Chúng tôi đã xây dựng một số chương trình tập huấn để thúc đẩy việc thực hiện Thông tư 16, bao gồm các chương trình ứng phó với các dịch bệnh ưu tiên có khả năng lây lan từ động vật sang người như bệnh dại. Các chương trình tập huấn này đã được triển khai thử nghiệm tại Hà Giang và Quảng Nam. Chúng tôi sẽ hợp tác với các cơ quan liên quan để tổ chức một khóa tập huấn về điều tra chung về ổ dịch trong năm 2016 này.  

H.  Cùng với tổ chức các khóa tập huấn, FAO ECTAD Việt Nam sẽ hợp tác với Cục Thú y, Cục Y tế Dự phòng để thực hiện các hoạt động theo Thông tư 16 và hỗ trợ cán bộ y tế và thú y cấp tỉnh tại cả hai tỉnh Hà Giang và Quảng Nam.  

 

Q. Anh chị có chia sẻ gì về chuyến công tác này?

P. Là một chuyến công tác chung với sự tham gia của cả hai ngành y tế và thú y, tôi thấy rằng chuyến công tác này chính là minh chứng cho sự hợp tác Một Sức khỏe. Thông qua việc phỏng vấn các cán bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh tại hai tỉnh Hà Giang và Quảng Nam, chúng tôi đã chứng kiến những nỗ lực trong việc thực hiện Thông tư 16 của cả hai địa phương, ở tất cả các cấp, mặc dù nguồn lực và năng lực hạn chế. Nhân dịp này, chúng tôi xin một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho dự án theo tinh thần Một Sức khỏe./.