FAO in Viet Nam

FAO Việt Nam kêu gọi cải tiến việc áp dụng an toàn sinh học cho chuỗi sản xuất gia cầm

23/01/2018

Hà nội, Việt Nam. An toàn sinh học  trong chăn nuôi gia cầm bao gồm một loạt biện pháp phòng bệnh như kiểm soát ra vào, làm sạch, khử trùng và tiêm phòng để ngăn ngừa lây truyền dịch bệnh. Bằng cách thực hiện nghiêm ngặt an toàn sinh học, chủ cơ sở chăn nuôi sẽ giảm thiểu nguy cơ bệnh xâm nhập từ người, động vật, xe cộ và trang thiết bị được mang tới khu chăn nuôi.

Kể từ khi xuất hiện dịch cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) H5N1 vào năm 2003, đã có 127 người mắc bệnh cúm và 64 người tử vong do virút H5N1 được ghi nhận tại Việt Nam. Tiếp xúc với gà bệnh là yếu tố nguy cơ cao nhất đối với những người mắc bệnh. Mặc dù Việt Nam không có người nhiễm cúm H5N1 từ năm 2014, Việt Nam vẫn tiếp tục báo cáo ổ dịch cúm gia cầm H5N1 và H5N6 xảy ra ở đàn gia cầm tại nhiều tỉnh trên cả nước. Tình hình này là nguy cơ thách thức cho ngành chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là các đối tượng tham gia vào chuỗi sản xuất như trang trại/ gia trại nuôi gia cầm đẻ, gia cầm thịt và ấp nở gia cầm .


Với nỗ lực tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết dịch cúm gia cầm độc lực cao và các bệnh cúm mới nổi khác ở động vật tập trung vào chuỗi sản xuất, vào tháng 12 năm 2017, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp Dịch bệnh Động vật Xuyên biên giới (ECTAD ), FAO Việt Nam và Cục Chăn nuôi (CCN) đã khởi động dự án " Quản lý nguy cơ dựa trên bằng chứng dọc theo chuỗi sản xuất và thị trường”. Dự án nhằm cải thiện các hoạt động quản lý và an toàn sinh học theo chuỗi sản xuất gia cầm, bao gồm bốn mục tiêu: 1) Cải thiện áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và chăn nuôi ở cấp nông hộ ; 2) Tăng cường năng lực của chính quyền địa phương cho hệ thống kiểm tra, đánh giá và chứng nhận cho cơ sở chăn nuôi và ấp nở; 3) Hoàn thiện hệ thống đăng ký, kiểm tra và chứng nhận cho các cơ sở ấp nở; và 4) Tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan đến quản lý và thực hiện dự án.

"Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của chăn nuôi gia cầm là ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào khu chăn nuôi, do đó FAO khuyến cáo việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học  vì đó là cách hiệu quả nhất để phòng và kiểm soát các vi rút cúm độc lực cao lây lan dọc theo chuỗi sản xuất cũng như có nguy cơ lây truyền sang người ", Ông Pawin Padungtod, Điều phối viên cao cấp của FAO ECTAD Việt Nam, cho biết.

Trong khi các cơ sở chăn nuôi gia cầm là những người hưởng lợi trực tiếp thông qua các hoạt động đào tạo khác nhau, dự án cũng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện để đảm bảo hệ thống kiểm tra và chứng nhận cơ sở chăn nuôi sẽ được chính quyềnđịa phương duy trì sau khi dự án kết thúc. Tỉnh Bắc Giang được chọn là địa bàn thực hiện dự án do có tổng đàn gia cầm cao.

"Các nguyên tắc quản lý và an toàn sinh học khuyến cáo cần được áp dụng nhất quán ở các nơi khác nhau tại cùng một cơ sở chăn nuôi và ấp nở gia cầm. Chúng tôi tin rằng đàn gia cầm  khỏe mạnh sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe con người, cải thiện chăn nuôi an toàn và bảo vệ sinh kế của nông dân tốt hơn "ông Pawin nhận định.

Dự án "Quản lý rủi ro dựa trên bằng chứng dựa dọc theo chuỗi sản xuất chăn nuôi và thị trường" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ.