FAO in Viet Nam

Tăng cường hợp tác thú y Việt Nam-Campuchia

26/10/2016

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.  Sông Mê Kông chảy xuyên biên giới Việt Nam-Campuchia có vai trò rất quan trọng đến sinh kế của rất nhiều cư dân cũng như sự sinh tồn của các loài động vật và hệ sinh thái. Cùng với những hoạt động trao đổi kinh tế, xã hội sôi động dọc bên bờ sông Mekong là những quan ngại về việc di chuyển của các tác nhân lây nhiễm có khả năng trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe của cả con người và vật nuôi bởi đường ranh giới quốc gia không thể ngăn chặn được mầm bệnh.

Nhận thức rõ về nguy cơ tiềm ẩn này, Trung tâm Kiểm soát Khẩn cấp các Bệnh có Nguồn gốc từ Động vật Xuyên biên giới  (ECTAD) của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam và Campuchia đã tổ chức các đối thoại và hợp tác giữa hai nước từ năm 2012 với sự tham gia của Cục Thú Y, thuộc Bộ NN&PTNT Việt Nam và Cục Thú y và Chăn nuôi thuộc Bộ Nông, Lâm nghiệp & Thủy sản Campuchia. Nỗ lực này nhằm giảm thiểu và phòng ngừa ảnh hưởng của các bệnh lây truyền từ động vật sang người như dịch Cúm gia cầm độc lực cao H5N1trước đây với những ảnh hưởng tiêu cực đến người dân và gia cầm ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông.

Sau 3 hội nghị xuyên biên giới Việt Nam-Campuchia, ngày 23/09/2016, Cục Thú y đã tổ chức hội nghị lần thứ 4 tại Việt Nam về Giám sát và Phòng ngừa dịch bệnh với sự hỗ trợ kỹ thuật của FAO nhằm đánh giá  những tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện các hoạt động hợp tác thú y song phương tại khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Nội dung rà soát bao gồm Chương trình Giám sát Cúm gia cầm độc lực cao,  đồng nhất năng lực chẩn đoán, chia sẻ thông tin và giám sát chuỗi giá trị.

Trong hội nghị lần thứ 4, các Cục trưởng Cục Thú y và Cục Thú y & Chăn nuôi cùng với các lãnh đạo ngành thú y của các tỉnh  biên giới Việt Nam - Campuchia đã thống nhất về các hoạt động đặt ra cho giai đoạn 2017-2019: 1) Chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh trên động vật ở cả cấp trung ương, vùng và tỉnh, 2) Tiếp tục xây dựng năng lực và hợp tác kỹ thuật trong dịch tễ học, xét  nghiệm và ứng phó tại địa bàn, 3) Tổ chức nghiên cứu về tuyến vận chuyển động vật và hợp tác nghiên cứu  , và 4) Chia sẻ tài liệu truyền thông.

“Trên cơ sở của mối quan hệ tốt đẹp và tinh thần hợp tác tại hội nghị, tôi rất vui mừng về việc các đại biểu đã đạt được thỏa thuận về các hoạt động chung trong 3 năm tới đến năm 2019. Với kế hoạch hành động cụ thể do các bên tham gia thuộc lĩnh vực thú y ở cả Việt Nam và Campuchia xây dựng, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng hai nước chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường năng lực phòng ngừa và chuẩn bị tốt hơn để có thể ứng phó lập tức với những mối đe dọa dịch bệnh mới nổi tại khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Hợp tác thú y hiện nay giữa hai nước có thể mở rộng sang lĩnh vực y tế theo mô hình sáng kiến “Một sức khỏe”, ông Pawin Padungtod, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp của FAO ECTAD Việt Nam phát biểu.