FAO in Viet Nam

Hội thảo tham vấn các bên liên quan lần hai : Kế hoạch quốc gia về giảm sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

27/03/2017

Hà Nội, Việt Nam – Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp Bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD), thuộc tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO) hợp tác với Cục Thú y tổ chức hội thảo tham vấn các bên liên quan lần thứ 2 để xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia (HĐQG) về giảm việc sử dụng kháng sinh (SDKS) và kháng kháng sinh (KKS) trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản” vào ngày 15 và 16 tháng 3. Hội thảo nhằm xác định các hành động và hoạt động chiến lược chi tiết và xây dựng lộ trình thực hiện cho giai đoạn 2017 – 2020. Với sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID), hội thảo có sự tham dự của 66 đại biểu tới từ các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương, các công ty thức ăn chăn nuôi, công ty thuốc thú y, các đơn vị nghiên cứu và đối tác phát triển.

Điều phối viên khu vực của dự án KKS từ văn phòng khu vực Châu Á và Thái bình dương đã trình bày về các hoạt động quy mô toàn cầu và khu vực về KKS trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại khu vực Đông Nam Á. Đại diện của Bộ Y tế trình bày kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc của ngành y tế giai đoạn 2013-2020 trong đó nhấn mạnh rằng kế hoạch HĐQG về giảm SDKS và KKT trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sẽ bổ trợ cho kế hoạch HĐQG của ngành y tế. Tiến sĩ Katharina Stärk, tư vấn quốc tế của FAO, trình bày quá trình xây dựng kế hoạch HĐQG và bản phác thảo kế hoạch đã có các ý kiến đóng góp từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế, và khối tư nhân thông qua các đợt tham vấn khác nhau.

Hội thảo xác định các bước triển khai thực hiện, các đơn vị đầu mối và đơn vị tham gia cho từng hoạt động thuộc 5 mục tiêu của kế hoạch. Năm mục tiêu bao gồm 1) Tăng cường thực thi các chính sách và quản lý liên quan đến SDKS và KKS trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; 2) Nâng cao nhận thức về SDKS và nguy cơ KKS đối với cán bộ kỹ thuật, người chăn nuôi và người tiêu dùng; 3) Thực hiện kỹ thuật điều trị và chăn nuôi tốt trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; 4) Giám sát việc SDKS, KKS và dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; 5) Tạo thuận lợi cho hợp tác liên ngành trong việc quản lý rủi ro kháng thuốc.

Các hoạt động chiến lược ưu tiên được đề xuất bởi đại biểu bao gồm 1) Rà soát, sửa đổi và điều chỉnh văn bản pháp lý cho các hoạt động quản lý kháng sinh và KKS trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; 2) Phát triển chương trình truyền thông và công cụ truyền thông để nâng cao nhận thức về quản lý SDKS và KKS; 3) Thực hành sử dụng kháng sinh  tốt trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; 4) Định lượng và định tính sự xuất hiện của KKS trong chăn nuôi và dọc chuỗi thực phẩm; 5) Xác định số lượng và đặc tính KKS trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

"Hội nghị lần thứ 39 của FAO vào tháng 6 năm 2015 đã thông qua Nghị quyết 4/2015 về KKS trong đó công nhận KKS là mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với sức khoẻ cộng đồng và sản xuất lương thực bền vững. Nghị quyết là lời kêu gọi hành động toàn cầu với các quốc gia thành viên bao gồm cả Việt Nam để giải quyết các khía cạnh đa dạng của KKS. Do vậy, tôi muốn tái khẳng định sự ủng hộ của FAO đối với những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc giảm SDKS và giảm KKS ", ông Jong-Ha Bae, Đại diện của FAO tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.