FAO in Viet Nam

FAO và Việt Nam chuẩn bị đáp ứng nguy cơ vi rút H7N9 xâm nhập Việt Nam

11/05/2018

Hà Nội, Việt Nam. Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Khẩn cấp Dịch bệnh Động vật xuyên Biên giới (ECTAD) của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (FAO) tại Việt Nam tổ chức một đoàn công tác từ ngày 16 - 25 tháng 4 năm 2018 nhằm gia tăng sự chuẩn bị của Việt Nam trước nguy cơ xâm nhập của vi-rút cúm A/H7N9, tăng cường khả năng phát hiện và đáp ứng nhanh ngay khi phát hiện ra vi rút. Đoàn công tác đồng thời cũng đánh giá năng lực của FAO để tăng cường hỗ trợ chính phủ chuẩn bị và đáp ứng dịch. Đoàn công tác toàn cầu bao gồm các chuyên gia quản lý nguy cơ  từ Trung tâm Kiểm soát Khẩn cấp Dịch bệnh Động vật (EMC-AH) của FAO, chuyên gia đấu thầu cấp cao từ Trụ sở chính FAO, giám đốc khu vực FAO ECTAD và cán bộ tài chính từ Văn phòng FAO khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (FAORAP), các điều phối viên kỹ thuật và tài chính của FAO ECTAD Việt Nam và chuyên viên Cục Thú y (CTY). Cơ quan Phát triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Nông Nghiệp và Tài Nguyên nước của Úc đã hỗ trợ tài chính cho đoàn công tác.

Đoàn công tác đã họp với lãnh đạo CTY, thảo luận kế hoạch hành động quốc gia về H7N9 và thống nhất các mục tiêu ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ của FAO để đáp ứng dịch ngay khi phát hiện ra vi rút cúm H7N9 tại các chợ gia cầm sống. Chợ gia cầm là địa bàn mà CTY và FAO đang giám sát H7N9 sử dụng công nghệ chẩn đoán nhanh gọi là Pen-side PCR. Cán bộ kiểm dịch thực hiện xét nghiệm Pen-side PCR tại chợ và có được kết quả trong vòng ba giờ sau khi thu thập mẫu. Hoạt động giám sát tương tự đang được tiến hành tại 13 chợ gia cầm khác ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai - nơi có nguy cơ cao với vi rút H7N9. Nếu H7N9 được phát hiện tại các chợ gia cầm này, mục tiêu đáp ứng dịch bao gồm: 1) ngăn chặn ổ dịch lây lan, 2) nếu có thể, loại trừ virus khỏi Việt Nam và 3) ngăn ngừa lây truyền sang người.

Đoàn công tác cũng đã tới bốn chợ gia cầm ở Hà Nội, Lạng Sơn và Quảng Ninh, gặp gỡ và trao đổi về các hành động đáp ứng ngay sau khi phát hiện ra H7N9 cũng như nguồn lực dự phòng của địa phương với cán bộ ban quản lý chợ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và cán bộ kiểm dịch – những người chịu trách nhiệm giám sát tại chợ. Mặc dù các tỉnh đều có kế hoạch dự phòng H7N9 riêng nhưng việc thiếu Quy trình thao tác chuẩn (SOP) cho hoạt động đóng cửa chợ, tiêu hủy gia cầm và vệ sinh tiêu độc dành cho các chợ và đơn vị cấp tỉnh sẽ hạn chế hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trong cả hai quá trình chuẩn bị và ứng phó với dịch H7N9.

“Để ngăn chặn dịch lây lan hiệu quả, điều quan trọng là phải lập tức dừng hoạt động buôn bán gia cầm tại chợ và ngăn chặn vận chuyển gia cầm ra khỏi chợ ngay khi vi rút H7N9 được phát hiện bằng phương pháp Pen-side PCR. Việc tiêu hủy gia cầm và làm sạch chợ cần được thực hiện ngay sau khi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương xác nhận chính thức kết quả xét nghiệm.” ông Pawin Padungtod, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp, FAO ECTAD Việt Nam cho biết.

Để nâng cao năng lực chuẩn bị và đáp ứng dịch cấp tỉnh, đoàn công tác khuyến nghị các Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh và các sở ban ngành liên quan lên kế hoạch đầy đủ về cả vật tư và nhân lực để đáp ứng dịch H7N9. Với các nguồn lực được phân bổ trước, các tỉnh có thể thực hiện đóng cửa chợ gia cầm  nhanh chóng và hiệu quả, tiêu hủy toàn bộ gia cầm và các đồ dùng nghi ngờ đã lây nhiễm trong khu chợ, vệ sinh và khử trùng và mở lại chợ gia cầm trong vòng bảy ngày. Các UBND cấp tỉnh tại những tỉnh có nguy cơ cao được khuyến khích thực hiện đánh giá nhu cầu và đào tạo thêm về kế hoạch hành động và các quy trình thao tác chuẩn.

“Trung tâm EMC-AH sẽ hỗ trợ chương trình FAO ECTAD và Chính phủ Việt Nam để tăng cường chuẩn bị nguy cơ xâm nhập của H7N9 và  gia tăng năng lực ứng phó khẩn cấp. Chúng tôi cho rằng cần thiết phải đầu tư cho các biện pháp an toàn sinh học các khu chợ bán gia cầm, cải thiện cơ sở hạ tầng cho khu chợ, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc tin cậy và thực hiện truyền thông nguy cơ thật hiệu quả cho tất cả những người buôn bán gia cầm và liên quan tới chợ gia cầm ” bà Clarisse Ingabire, cán bộ kỹ thuật EMC-AH cho biết.

Chuyến công tác được tổ chức ngay sau khi FAO cập nhập hoạt động đánh giá rủi ro định tính vào tháng 2 năm 2018 về  Lây lan Cúm gia cầm H7N9 có xuất xứ từ Trung Quốc trong gia cầm và người, tài liệu này cho thấy khả năng lây lan từ các khu vực bị ảnh hưởng của Trung Quốc sang Việt Nam là trung bình và qua các hoạt động thương mại phi chính thức.