FAO in Viet Nam

Kế hoạch hành động của Việt Nam nhằm giảm kháng kháng sinh và giảm sử dụng Kháng sinh trong chăn nuôi

10/11/2016

Phòng chống Khẩn cấp dịch bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) đã phối hợp với Cục Thú y (DAH) tổ chức  Hội thảo tham vấn “Xây dựng kế hoạch hành động của Việt Nam về giảm thiểu sử dụng kháng sinh (KS) và kháng kháng sinh (KKS) trong chăn nuôi” tại Hà Nội. Mục đích của Hội thảo là thu thập ý kiến, đề ra các hoạt động ưu tiên và xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐ) giảm thiểu sử dụng kháng sinh (KS) và kháng kháng sinh (KKS) trong chăn nuôi ở Việt Nam. Hội thảo diễn ra trong một ngày với sự tham dự của 42 đại biểu đến từ Bộ NN và PTNT, Bộ Y tế, người chăn nuôi và các đối tác phát triển.

Tại Hội thảo, các đại biểu từ Bộ NN và PTNT và Bộ Y tế đã chia sẻ thông tin về các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng KS và giám sát KKS. Bà Lucie Collineau, tư vấn viên của FAO, đã trình bày đề cương bản dự thảo KHHĐ về giảm thiểu sử dụng KS và KKS trong chăn nuôi ở Việt Nam. Các đại biểu tham dự hội thảo tiến hành thảo luận nhóm nhằm rà soát bản dự thảo KHHĐ và đề xuất bổ sung các hoạt động. Các hoạt động được đề xuất này được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thông qua hệ thống bầu chọn ẩn danh trực tuyến. Bà Katharina Stärk, tư vấn của FAO, chủ trì phiên thảo luận toàn thể cuối cùng về các nội dung chính của KHHĐ và việc thực hiện KHHĐ trong tương lai.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất về năm nội dung chính của KHHĐ gồm: 1) Rà soát lại chính sách và quản trị liên quan đến KS và KS trong thực phẩm và nông nghiệp, 2) Nâng cao nhận thức về KKS của các cán bộ công tác trong ngành nông nghiệp, người chăn nuôi cũng như người dân, 3) Thực hiện các hành vi chăn nuôi và điều trị bệnhtốt, 4) Phát triển năng lực giám sát KKS và KS trong thực phẩm và nông nghiệp và 5) Hỗ trợ thúc đẩy phối hợp liên ngành trong việc quản lý KKS.

Các hoạt động ưu tiên trong khuôn khổ KHHĐ đã được xác định và bao gồm:

• Thực hiện đánh giá rủi ro về KKS/ KS theo chuỗi thực phẩm tập trung vào các trang trại bán công nghiệp, được xác định là những cơ sở sử dụng kháng sinh nhiều nhất. Từ 1/1/2018, kháng sinh sẽ bị cấm hoàn toàn sử dụng cho chăn nuôi vì mục đích kích thích sinh trưởng. Tuy nhiên, những người chăn nuôi có thể vẫn tiếp tục tự mình trộn KS trong thức ăn cho gia súc gia cầm.

• Xây dựng hướng dẫn điều trị trong thực hành thú y đối với một số nhóm bệnh dịch động vật được lựa chọn. Hiện tại, Luật Thú y yêu cầu người chăn nuôi phải có đơn thuốc từ bác sĩ thú y để sử dụng KS. Tuy nhiên, hiện không có danh sách liệt kê các hoạt chất KS hay loại KS nào phải được bán theo đơn. Việc thực thi quy định này trong giai đoạn này có vẻ rất khó khăn với quy mô chăn nuôi như ở Việt Nam.

• Tiếp tục phát triển chương trình đào tạo về KS và KKS dành cho bác sĩ thú y và người chăn nuôi.

• Xây dựng năng lực xét nghiệm độ nhạy cảm và nhận dạng mầm bệnh của các phòng xét nghiệm thú y. Năng lực phòng xét nghiệm của 7 cơ quan thú y vùng (RAHOs) tốt nhưng phương pháp xét nghiệm cần phải được chuẩn hóa.

• Xây dựng chương trình giám sát KKS và KS với sự tham gia của các phòng xét nghiệm được Bộ NN và PTNT cấp chứng nhận. Giám sát KKS có thể được thực hiện trước tiên ở lợn, gà và nuôi trồng thủy sản, là những ngành chăn nuôi lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, chương trình này đòi hỏi có sự đầu tư tài chính rất lớn dựa trên cơ sở các kinh nghiệm từ trước về xét nghiệm dư lượng KS trong các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.

• Xây dựng cơ sở dữ liệu KKS để chia sẻ giữa hai cơ quan y tế và thú y. Cần xác định phòng xét nghiệm tham chiếu KKS. Những rào cản có thể thấy trước đối với các hoạt động này bao gồm hạn chế về tài chính, thiếu phương pháp và giám sát chuẩn.

• Lập kế hoạch và triển khai thực hiện khảo sát Kiến thức – Thái độ - Thực hành (KAP) để hiểu  rõ hơn kiến thức, thái độ và các thực hành đối với KS và KKS của các bên liên quan, và xây dựng các biện pháp can thiệp truyền thông chiến lược. Đã xác định được 4 nhóm ưu tiên đối với các hoạt động truyền thông về nguy cơ và nhận thức, bao gồm: người sản xuất/chăn nuôi, chủ các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, bác sĩ thú y và người tiêu dùng.

• Xác định cán bộ đầu mối về KKS tại Cục Thú y, Bộ NN và PTNT, Cục Quản lý Dược, và Cục Quản lý Khám chữa bệnh hỗ trợ việc điều phối, chia sẻ thông tin và hợp nhất số liệu.