FAO in Viet Nam

Tìm giải pháp cho nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

04/07/2017

Việt Nam là quốc gia chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH). Đặc biệt là trong lĩnh vực nông, Việt Nam đã phải đối phó với rất nhiều thách thức, đặc biệt là ngành nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, quản lý nước, diêm nghiệp) do tác động của biến đổi khí hậu trong những năm qua.

Nhận thấy tác động đang và có khả năng sẽ diễn ra, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đang phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thực hiện Chương trình “Lồng ghép nông nghiệp vào Kế hoạch Hành động Quốc gia về ứng phó với BĐKH (NAP-Ag)” nhằm đưa các vấn đề về BĐKH có liên quan đến sinh kế nông nghiệp vào quá trình lập kế hoạch và ngân sách quốc gia. Với hỗ trợ tài chính của Chính phủ Đức, chương trình kéo dài 4 năm này hướng tới việc tăng cường năng lực kỹ thuật và thể chế, xây dựng lộ trình tổng hợp, cải thiện kết quả dựa vào bằng chứng, và tuyên truyền cũng như chia sẻ kiến thức về NAP.

Để thực hiện một trong nhiều ưu tiên của Kế hoạch hành động, FAO và UNDP đang hỗ trợ dự án nghiên cứu nhằm phân tích sâu và đề xuất giải pháp về thích ứng với BĐKH cho lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, là ba lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất do tác động của BĐKH. Trong quá trình chuẩn bị cho công tác hiện trường, các bên tham gia dự án của Vụ Hợp tác quốc tế/Bộ Nông nghiệp và PTNT, UNDP, FAO, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) đã tổ chức họp vào tháng 3/2017 nhằm chia sẻ đầu vào cho dự án trước khi tiến hành nghiên cứu. Trên cơ sở đầu vào thu được, các chuyên gia của FAO và UNDP hiện đang đánh giá mức độ tổn thương do BĐKH và phân tích chi phí-lợi ích của các giải pháp chính sách về thích ứng với BĐKH, trong đó xác định các giải pháp khả thi cho ba lĩnh vực trên ở các vùng miền Bắc, Trung và Nam trên toàn quốc.

“Thích ứng với BĐKH, trong đó chú trọng vào ngành nông nghiệp hiện, đang là hợp phần quan trọng của Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) mà Việt Nam đã cam kết theo Hiệp định Paris. Điều này được khẳng định trong Kế hoạch quốc gia về thực hiện Hiệp định Paris, ban hành ngày 2/10/2016. Thông qua sự phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để Việt Nam hoàn thành đóng góp quốc tế về giảm thiểu và thích ứng với BĐKH”, ông Jong Ha Bae, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam cho biết.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, dự kiến báo cáo tổng hợp và tài liệu tham khảo chính sách sẽ được công bố vào giữa năm 2018.