FAO in Viet Nam

Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) khởi động dự án tăng cường hỗ trợ cho hệ thống nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long

09/06/2020

Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã xác nhận sẽ tài trợ 15 triệu USD cho dự án thúc đẩy hỗ trợ hệ thống nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng nhằm cải thiện hệ thống nước ngầm ở khu vực này, vốn đang bị khai thác quá mức do nhu cầu sử dụng tài nguyên nước cao trong tình hình gia tăng dân số cũng như phát triển kinh tế nhanh như hiện nay.

Vùng hạ lưu sông Mê Công có hệ thống nước ngầm rất lớn, nằm giáp ranh giữa Cam-pu-chia và Việt Nam. Hệ thống nước ngầm xuyên biên giới (TBA) này nối hai hệ sinh thái có ý nghĩa toàn cầu về môi trường và có tầm quan trọng về kinh tế-xã hội - Biển Hồ và ĐBSCL, nơi có nhiều khu đô thị lớn như Phnom Penh và TP. Hồ Chí Minh.

Khu vực trên có tổng diện tích khoảng 200 000 km2, trong đó 63% nằm trong lãnh thổ Campuchia. Biển Hồ - thủy vực nước ngọt lớn nhất ở Đông Dương  kết nối với ĐBSCL - là hồ điều tiết tự nhiên có tác dụng bù đắp lại lượng nước ngầm đã bị khai thác.
Nước ngầm có vai trò quan trọng đối với sản xuất lúa gạo và đóng góp rất lớn cho GDP của Việt Nam. Do đó, hệ thống nước ngầm đang bị khai thác mạnh để phục vụ tưới và cấp nước. Mức độ khai thác nước trong toàn TBA ước tính vào khoảng 800-900 triệu m3/năm. Chính phủ Việt Nam nhận thức rất rõ các khía cạnh của vấn đề liên quan tới nước ngầm và đã đầu tư để cải thiện các hạng mục về thủy văn của tầng nước ngầm tại ĐBSCL. Hiện nay, Chính phủ đang tập trung chính vào điều chỉnh kế hoạch phát triển để giảm thiểu rủi ro đang phát sinh do sụt lún đất và thiết kế các cơ chế điều tiết hiệu quả hơn nhằm hạn chế khai thác nước ngầm.

Việc phối hợp quản lý hệ thống TBA này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực thượng lưu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước, và có nguy cơ cao sẽ chịu rủi ro liên quan tới khí hậu (lũ lụt và hạn hán). Đối với Việt Nam,  an ninh nguồn nước cho vùng đồng bằng sẽ không thể đảm bảo nếu không hiểu rõ cơ chế dòng chảy nước ngầm trong khu vực, đặc biệt các vùng bổ sung nước ngầm từ thượng lưu thuộc lãnh thổ của Campuchia.

Một trong những mục tiêu chính của dự án là xây dựng các khung hợp tác quản lý tầng nước ngầm xuyên biên giới rất lớn này, bao gồm cả ĐBSCL và thượng nguồn của đồng bằng này tại Campuchia. Hoạt động này rất có ý nghĩa vì toàn bộ khu vực đều phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước và dễ chịu ảnh hưởng của các nguy cơ do biến đổi khí hậu (lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng).

Dự án cũng sẽ khởi động việc xử lý những khoảng trống dữ liệu và kiến thức, đồng thời thúc đẩy hiểu biết chung phù hợp về các cơ chế dòng chảy nước ngầm trong khu vực, đặc biệt là vùng bổ sung nước ngầm từ thượng lưu thuộc lãnh thổ của Campuchia.

Dự án sẽ góp phần củng cố thỏa thuận giữa Việt Nam – Campuchia về nâng cao công tác quản lý nước xuyên biên giới trong Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực Sông Mê-công ký năm 1995. Ủy hội Sông Mê-công (MRC) cũng sẽ tham gia vào dự án để  tiến tới thể chế hóa các giải pháp cải tiến công tác quản lý chung đối với hệ thống nước ngầm của ĐBSCL.
Công việc đề xuất trong dự án này sẽ hoàn toàn phù hợp với quá trình lập kế hoạch hiện nay ở cả hai nước, đặc biệt là Kế hoạch Phát triển ĐBSCL và Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ, và các kế hoạch phát triển đô thị của khu vực xung quanh TP. HCM.

Dự án này cũng sẽ góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của cả hai nước, do đó sẽ liên quan tới nhiều Bộ và hỗ trợ (trực tiếp hoặc gián tiếp) việc thực hiện một số mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cũng như các chỉ tiêu liên quan.

Tại Việt Nam, dự án này sẽ được điều hành bởi FAO và Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, cũng như các đối tác phát triển trong lĩnh vực này.