Khởi động dự án hợp tác song phương giữa CHDCND Lào và Việt Nam về việc tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên nước và sức khỏe hệ sinh thái tại lưu vực sông Mã và sông Nuen - Cả.
Hà Nội, Việt Nam– Cục Quản lý Tài nguyên Nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Cục Tài nguyên Nước CHDCND Lào và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tổ chức hội thảo khởi động dự án “Tăng cường an ninh nguồn nước và môi trường cho các lưu vực sông Mã và sông Nuen - Cả và các vùng ven biển liên quan tại Việt Nam và Lào”.
Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu dự án và lấy ý kiến tham vấn về thiết kế dự án và kế hoạch thực hiện. Tham dự hội thảo có đại diện các cấp chính quyền trung ương và địa phương của Việt Nam và CHDCND Lào, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các viện nghiên cứu, trường đại học và các bên liên quan khác.
Dự án này được tài trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) với tổng kinh phí là 8 triệu Đô la Mỹ và
sẽ được thực hiện trong thời gian 5 năm từ 2024 đến 2028. Trong dự án này, khoảng gần 3 triệu đô la Mỹ sẽ được dùng để thực hiện các hoạt động thí điểm ở lưu vực sông Neun - Cả và sông Mã tại 2 quốc gia. IUCN là cơ quan thực hiện chính, chịu trách nhiệm điều phối dự án và giám sát kỹ thuật.
Mục tiêu của dự án là giúp Việt Nam và Lào giải quyết vấn đề quản lý tài nguyên nước ngọt và sức khỏe hệ sinh thái ở các lưu vực sông xuyên biên giới sông Mã và sông Neun - Cả và các vùng ven biển bằng cách tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động hợp tác xuyên biên giới.
“Những nỗ lực của dự án nhằm tăng cường an ninh nguồn nước và môi trường ở lưu vực sông Mã và Neun - Cả phù hợp chặt chẽ với Khung chiến lược 2022-2031 của FAO, thúc đẩy 'bốn điểm tốt hơn' đó là sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn. Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác xuyên biên giới đối với các nguồn tài nguyên nước chung, dự án góp phần tạo nên hệ sinh thái lành mạnh hơn và là nền tảng cho hệ thống lương thực bền vững, cải thiện sinh kế và tương lai tốt đẹp hơn cho các cộng đồng ở Việt Nam và CHDCND Lào.”, Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho biết.
Sông Mã và Neun - Cả là hai con sông xuyên biên giới liền kề có kích thước tương tự, đặc điểm giống nhau và có những thách thức về quản lý nước và môi trường tương tự. Những thách thức chính bao gồm: việc sử dụng nguồn nước và biến đổi khí hậu đã làm thay đổi đáng kể đặc điểm dòng chảy trên cả hai lưu vực; nạn phá rừng và những thay đổi về độ che phủ rừng ảnh hưởng đến dòng chảy và lượng trầm tích; mở rộng diện tích đất nông nghệp; gia tăng lượng nước khai thác do tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế nhanh, ảnh hưởng đến dòng chảy môi trường; và các đợt lũ lụt cực đoan gây ra tình trạng lũ lụt.
Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Tiến sĩ Inthavy Akkharath – Cục trưởng Cục Tài nguyên Nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường CHDCND Lào cùng chia sẻ quan điểm “Dự án này phù hợp với các ưu tiên quốc gia và đáp ứng yêu cầu của luật mới về quản lý nguồn tài nguyên nước. Chính phủ hai nước ủng hộ mạnh mẽ dự án này và sẽ hợp tác chặt chẽ với IUCN, FAO và các đối tác tại Việt Nam và CHDCND Lào để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu và cải thiện việc quản lý tài nguyên thiên nhiên tại hai lưu vực sông”.
Dự án sẽ được triển khai với 5 kết quả dự kiến bao gồm 1) đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về các vấn đề xuyên biên giới chính; 2) tăng cường an ninh nguồn nước, đảm bảo bền vững môi trường và khả năng dự báo ở lưu vực và khu vực ven biển; 3) tăng cường các hoạt động hợp tác chung; 4) đảo ngược xu hướng thoái hóa đất ở hai lưu vực; và 5) nâng cao năng lực của các cơ quan quốc gia có liên quan và chia sẻ kinh nghiệm và bài học của dự án.
Ông Jake Brunner, Trưởng đại diện IUCN Việt Nam và Giám đốc IUCN khu vực hạ lưu sông Mekong nhấn mạnh “Với tư cách là cơ quan chủ trì thực hiện, IUCN sẽ hợp tác với nhiều đối tác trong quá trình thực hiện dự án. Điều này bao gồm việc thiết lập một cơ chế phối hợp xuyên biên giới để hợp tác quản lý nước mặt và nước dưới đất. Điều này sẽ tối đa hóa giá trị kinh tế của tài nguyên nước tại hai lưu vực và giảm thiểu rủi ro lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn”.
Tham gia hội thảo khởi động, đại diện từ các ngành sẽ đưa ra ý tưởng và đóng góp ý kiến cho việc thực hiện dự án cũng như kế hoạch trong tương lai nhằm thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới, xây dựng khuôn khổ quản lý lưu vực sông phù hợp, tăng cường an ninh nguồn nước, môi trường và bình đẳng giới.