FAO in Viet Nam

Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm nguy cơ tại Việt Nam

05/10/2015

Hà Nội, Việt Nam.  Hôm nay, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan Liên Hợp Quốc tổ chức hội thảo Khởi động và Xây dựng kế hoạch triển khai Dự án “Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm nguy cơ tại Việt Nam” nhằm góp phần cải thiện tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng của người dân.

Dự án được triển khai chỉ đúng một tuần sau khi Việt Nam cùng 193 quốc gia thống nhất thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) nhằm chấm dứt đói nghèo vào năm 2030. Để hỗ trợ Việt Nam thực hiện SDGs, Chính phủ Tây Ban Nha đã hỗ trợ 1,5 triệu USD thông qua quỹ Phát triển bền vững để Việt Nam thực hiện Dự án lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực.

Mặc dù Việt Nam được ghi nhận đạt nhiều thành tựu trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em; nhưng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi vẫn là một thách thức lớn đối với ngành Y tế. Những số liệu gần đây cho thấy có gần 25% trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi và 14,5% trẻ bị nhẹ cân (Viện Dinh dưỡng–2014). Bên cạnh đó, vẫn còn sự khác biệt đáng kể về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em giữa các vùng/miền, các nhóm dân tộc.Ví dụ, tỷ lệ trẻ em thấp còi ở Lào Cai là 35% và ở Ninh Thuận là 27%, trong khi ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa đến 8%.

Hội thảo Khởi động Dự án hôm nay củng cố cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện SDGs nhằm góp phần chấm dứt đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình, xúc tiến sản xuất nông nghiệp bền vững và cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam, đặc biệt là ở trẻ em và các nhóm có nguy cơ.

“Tôi tin tưởng rằng những hỗ trợ của Dự án này sẽ góp phần thiết thực vào việc cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em Việt Nam, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là việc đảm bảo duy trì bền vững các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, hướng tới thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc vừa thông qua”, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng:
“Về phía Liên Hợp Quốc, bốn cơ quan LHQ gồm FAO, UNICEF, WHO và UN Women, sẽ cùng hợp tác thực hiện Dự án này, mỗi cơ quan sẽ tận dụng và đóng góp kiến thức và chuyên môn riêng của mình về an ninh lương thực, y tế và dinh dưỡng cho trẻ em và các nhóm có nguy cơ tại Việt Nam”.

Việt Nam đã đưa ra một số chính sách quốc gia nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và an ninh lương thực trong cả nước, trong đó có Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược Quốc gia về An ninh lương thực đến năm 2030 với mục đích tăng cường can thiệp nhằm cải thiện tình hình dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ nhỏ để giảm tỷ lệ trẻ thấp còi. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu của Quốc gia cũng như các SDGs; Việt Nam rất cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị cũng như sự hỗ trợ của các nguồn lực Quốc tế.
Dự án chung của Chính phủ-Liên Hợp Quốc về lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực sẽ hướng tới các nhóm dân tộc chịu nhiều thiệt thòi nhất, những người sống trong nghèo khổ, cố gắng thu hẹp sự bất bình đẳng, nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho hơn 36 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản; 7,1 triệu trẻ em trai và gái dưới 5 tuổi ở Việt Nam.

Hỗ trợ của Dự án sẽ tập trung vào 2 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao là Lào Cai và Ninh Thuận để thu thập số liệu và bằng chứng về những thay đổi trong chính sách quốc gia, nhân rộng các mô hình lồng ghép, phát triển bền vững dinh dưỡng và an ninh lương thực. Dự án cũng sẽ tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan, tổ chức và các nhà hoạch định chính sách chịu trách nhiệm xây dựng và thực thi các Dự án dinh dưỡng và an ninh lương thực.

Với các can thiệp của Dự án và sự quan tâm đầu tư của Nhà nước trong việc phát triển đồng bộ hệ thống Y tế, Nông nghiệp phát triển nông thôn cũng như sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức Liên Hợp Quốc; chúng tôi tin rằng sau 2 năm thực hiện, dự án sẽ góp phần cải thiện đáng kể tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng của người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em và nhóm đối tượng nguy cơ.

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ:
Bà Nguyễn Mai Hương, Điều phối viên Dự án, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế tại địa chỉ email [email protected]
Ông Nguyễn Minh Nhật, Cán bộ Dự án FAO tại địa chỉ email [email protected]