FAO in Viet Nam

Cuộc họp đánh giá dự án “Quản lý rủi ro dựa trên bằng chứng dọc theo chuỗi sản xuất chăn nuôi và thị trường”

22/05/2019

Bắc Giang, Việt Nam. Nguy cơ xuất hiện và lây nhiễm bệnh Cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) cũng như nhóm gen đang mở rộng của virus cúm A đã và đang tạo ra những tác động nghiêm trọng tới sức khỏe vật nuôi và sức khỏe cộng đồng trên khắp Châu Á.

Mặc dù các quốc gia đã có nhiều hành động nhằm giảm thiểu nguy cơ này, vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn đọng cần được khắc phục và xử lý. Một trong những vấn đề đó là việc thực hành quản lý và an toàn sinh học trong chuỗi giá trị gia cầm.

Để giải quyết vấn đề này, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) đã hỗ trợ FAO thực hiện dự án “Quản lý rủi ro dựa trên bằng chứng dọc theo chuỗi sản xuất chăn nuôi và thị trường” từ năm 2016. Dự án này giúp các bên liên quan cùng phối hợp giải quyết nhu cầu nâng cao chuỗi giá trị gia cầm ở cấp quốc gia. Là một trong bốn hợp phần quốc gia của dự án (cùng với Campuchia, Lào và Myanmar), hợp phần tại Việt Nam được thực hiện với mục tiêu tăng cường thực hành quản lý và an toàn sinh học dọc theo chuỗi thị trường (cơ sở ấp nở, trại gà sinh sản, trại gà thịt thương phẩm) tại tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang là một trong những tỉnh có mật độ gia cầm cao nhất khu vực miền Bắc Việt Nam. Gà thương phẩm thịt thương hiệu nổi tiếng “Gà đồi Yên Thế” của Bắc Giang được bán đi tất cả các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, việc thực hành an toàn sinh học tại các trại chăn nuôi và cơ sở ấp nở gia cầm của Bắc Giang vẫn còn rất kém, dẫn đến hiệu quả sản xuất chăn nuôi thấp và làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh dịch. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã ban hành những quy định pháp chế về kiểm tra và đánh giá điều kiện vệ sinh thú y, nhưng những quy định này lại không phù hợp đối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ phổ biến trên khắp cả nước. Việc này dẫn đến mỗi tỉnh sử dụng những tiêu chuẩn khác nhau cho việc kiểm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ cho các hộ quy mô nhỏ.

Tỉnh Bắc Giang cũng không phải là một ngoại lệ. Từ khi dự án được thực hiện, các hộ chăn nuôi và ấp nở gia cầm tham gia thực hiện mô hình đã có những tiến bộ đáng kể về mặt an toàn sinh học. Một số hộ đã được cấp chứng chỉ xác nhận đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Một số mô hình ấp nở và chăn nuôi gia cầm đã tăng tỷ lệ nở tới 5-10%, tăng năng suất trứng 3-6% và giảm 40-50% chi phí cho thuốc kháng sinh. 

Ngày 22 tháng 5 vừa qua, FAO cùng Cục Chăn nuôi đã tổ chức một cuộc họp đánh giá dự án tại tỉnh Bắc Giang với sự tham gia của 38 đại biểu đến từ FAO, Cục Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang cùng đại diện các hộ chăn nuôi gia cầm. Các đại biểu và khách mời đã cùng nhau rà soát tiến độ thực hiện của hợp phần dự án tại Việt Nam với mục tiêu nâng cao hiểu biết của nông dân về thực hành chăn nuôi tốt và an toàn sinh học, tăng cường năng lực của các cán bộ địa phương về đánh giá và chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở ấp nở, chăn nuôi.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã được cập nhật kết quả thực hiện các hoạt động của dự án tính đến tháng 5 năm 2019 và kế hoạch hoàn thiện các hoạt động còn lại của dự án. Cuộc họp cũng là cơ hội để các hộ nông dân tham gia dự án chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về những cải thiện trong chăn nuôi, ấp trứng gia cầm, cách họ quản lý các nguy cơ cũng như cách họ vận dụng những lợi ích nhận được từ dự án. Nhận xét về những thành quả đã đạt được của dự án, Tiến sĩ Ian Dacre – Phó Giám đốc khu vực của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp các bệnh động vật lây truyền qua biên giới (ECTAD), văn phòng FAO Khu vực châu Á Thái Bình Dương, đã nhấn mạnh: “Cục Chăn nuôi và Chi cục Chăn nuôi , Thú y nên phổ biến và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học bởi dọc theo chuỗi giá trị gia cầm để đảm bảo chất lượng sản phẩm gia cầm tốt hơn và phòng tránh việc lây lan bệnh dịch. Hơn nữa, các biện pháp an toàn sinh học hữu hiệu này cũng nên được áp dụng đối với khu vực chăn nuôi lợn để  góp phần ngăn chặn việc lây nhiễm dịch tả lợn Châu Phi trong bối cảnh dịch bệnh nghiêm trọng và nguy cơ lây nhiễm cao tại Việt Nam hiện nay.”