FAO in Viet Nam

Dự án “Quản lý rủi ro dựa trên bằng chứng dọc theo chuỗi sản xuất chăn nuôi và thị trường” – Những kết quả thành công và đầy hứa hẹn

30/07/2019

Bắc Giang, Việt Nam.  Dự án “Quản lý rủi ro dựa trên bằng chứng dọc theo chuỗi sản xuất chăn nuôi và thị trường” vừa kết thúc thành công với những kết quả đầy hứa hẹn sau hai năm thực hiện kể từ 2016, với sự hỗ trợ không ngừng của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT). Hội thảo tổng kết dự án đã được tổ chức tại tỉnh Bắc Giang nhằm chia sẻ những thành công, thuận lợi/ khó khăn và bài học kinh nghiệm của các hộ nông dân tham gia dự án, thông qua đó tuyên truyền nhân rộng những kết quả dự án đã đạt được.

Hội thảo có sự tham gia của Ông Nguyễn Đức Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (CCN), Ông Michael O’Leary - Đại diện USAID, Bà Slava Zeman - Tham tán (Nông nghiệp) Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang (Chi cục tỉnh Bắc Giang), các hộ nông dân tham gia dự án và đại diện từ FAO.

Bắc Giang là một trong những tỉnh có mật độ gia cầm cao nhất khu vực miền Bắc Việt Nam. Trong khuôn khổ dự án, FAO đã phối hợp chặt chẽ cùng CCN và Chi cục tỉnh Bắc Giang để nâng cao kiến thức cho cả nông dân và cán bộ quản lý địa phương về thực hành chăn nuôi tốt và an toàn sinh học, hỗ trợ hệ thống đăng ký, đánh giá và chứng nhận hộ ấp trứng gia cầm. Đến cuối dự án, các trại gia cầm và hộ ấp trứng tham gia đều cho thấy những tiến bộ đáng kể về thực hành an toàn sinh học và đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Một số trại và hộ mô hình đã báo cáo mức tăng 5-10% tỷ lệ nở, tăng 3-6% sản lượng trứng và giảm 40-50% lượng kháng sinh sử dụng trong sản xuất. Các trại gia cầm và hộ ấp trứng mô hình thực hiện tốt quản lý sản xuất và an toàn sinh học đã chia sẻ những kinh nghiệm của họ cho các hộ nông dân khác trong vùng. Các cán bộ được đào tạo trong dự án có thể tiếp tục hỗ trợ kiểm tra đánh giá và cấp chứng nhận cho các trại đạt tiêu chuẩn trong thời gian tới. Ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đã ghi nhận và đánh giá cao sự thành công cũng như những thành quả của dự án.

Tuy dự án đã kết thúc, FAO Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hợp tác cùng CCN để hoàn thiện bảng kiểm về an toàn sinh học và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để đưa vào văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chăn nuôi mới sẽ có hiệu lực từ năm 2020.