FAO in Viet Nam

Tập huấn AVET nâng cao: Đánh giá nguy cơ và Phân tích dịch tễ học nâng cao

13/09/2019

Hà Nội, Việt Nam. Để ứng phó với tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã và đang lan rộng tại Việt Nam, Cục Thú Y (CTY) trực thuộc  Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (BNN-PTNN)) đã xác định nhu cầu cấp thiết về  đánh giá mức độ rủi ro của tình trạng ASF lan rộng và phân tích các dữ liệu giám sát và điều tra ổ dịch. Các khóa Tập huấn Dịch tễ học Thú y Ứng dụng (AVET) đã từng được tổ chức bởi FAO phối hợp với CTY và Học Viện Nông nghiệp Việt Nam. Để có thể trang bị cho các nhà dịch tễ học thú y làm việc tại hiện trường một cách tốt hơn, gần đây, CTY cùng Trung tâm khẩn cấp phòng chống dịch bệnh động vật xuyên biên giới của FAO Việt Nam (ECTAD), với sự hỗ trợ kinh phí từ Cơ quan giảm thiểu đe dọa quốc phòng Hoa Kỳ (DTRA) đã tổ chức hai khóa tập huấn AVET Nâng cao về đánh giá nguy cơ và phân tích dịch tễ học nâng cao. Các khóa học AVET Nâng cao này được thiết kế để trang bị cho các học viên AVET kiến thức và kỹ năng bổ sung để rà soát và điều chỉnh chiến lược phòng  chống ASF.

Khóa tập huấn đầu tiên về đánh giá nguy cơ dịch bệnh ASF lan rộng được tổ chức từ ngày 8 đến 12 tháng 7 năm 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của 19 học viên đến từ CTY, các Chi cục Thú Y vùng   và chi cục Chăn nuôi Thú y từ các tỉnh Nam Trung bộ đến đồng bằng sông Cửu Long  và các trường đại học. Trong khóa đào tạo này, các học viên đã học và thực hành cách lập báo cáo tình hình dịch bệnh, mô tả các đặc điểm không gian và thời gian của ổ dịch, phương pháp lấy mẫu và  đánh giá nguy cơ dựa vào bằng chứng. Các học viên cũng xác định và xếp hạng các yếu tố nguy cơ dẫn đến lây lan ASF dựa trên kinh nghiệm thực địa của họ.

Khóa tập huấn thứ hai về phân tích dịch tễ học nâng cao   được tổ chức từ ngày 5 đến 16 tháng 8 năm 2019 tại Hà Nội. Mười lăm đại biểu   cấp trung ương và cấp vùng bao gồm CTY, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, 7 Chi cục  Thú y Vùng và các trường đại học đã   tham dự khóa tập huấn. Trong chương trình lần này, các nhà dịch tễ học cấp quốc gia và cấp vùng đã học cách áp dụng hồi quy logistic (logistic regression) và phân tích sự kiện theo thời gian (survival analysis) để phân tích dữ liệu họ đã thu thập được từ các chương trình giám sát và điều tra ổ dịch của CTY để trả lời hai câu hỏi quan trọng: “Dịch bệnh liệu có xảy ra không?” và “Khi nào dịch bệnh sẽ xảy ra?”. Các học viên đã sử dụng dữ liệu điều tra các ổ dịch ASF thực tế tại Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2019 để phân tích.

Hai khóa tập huấn AVET Nâng cao đã diễn ra một cách thành công. FAO và CTY cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các kỹ năng có được từ khóa tập huấn để giúp chính phủ Việt Nam nâng cao năng lực sử dụng dữ liệu từ công tác điều tra ổ dịch ASF, nhằm đánh giá mức độ rủi ro của việc lây lan dịch bệnh và xác định các biện pháp kiểm soát tiềm năng với mục đích ngăn chặn việc tiếp tục lây lan trong tương lai.